Phân định rõ thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước


Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước" vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN" được ban hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Đề án là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN theo hướng phân định rõ thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.

Trong đó, rà soát, sửa đổi quy định về giám sát DNNN theo hướng quy định hoạt động giám sát DNNN tập trung vào việc theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu do cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm kịp thời nắm bắt, phản ánh, đánh giá, phát hiện yếu kém, bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN. 

Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định về kiểm tra DNNN theo hướng quy định hoạt động kiểm tra DNNN tập trung vào việc xem xét, làm rõ việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quyết định của chủ sở hữu do cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến hành định kỳ, thường xuyên, theo kế hoạch, trên cơ sở kết quả giám sát hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong DNNN.

Rà soát sửa đổi quy định về thanh tra DNNN theo hướng quy định hoạt động thanh tra DNNN tập trung vào việc xem xét, đánh giá, xử lý việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc chấp hành pháp luật do cơ quan có chức năng thanh tra tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong DNNN. 

Trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, Đề án còn đề cập đến nhiệm vụ hoàn thiện quy định về phạm vi, nội dung, phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN; các quy định về xử lý vi phạm của các chủ thể có thẩm quyền quản lý và giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của DNNN và trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN; sửa đổi, bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN. 

Đề án tập trung vào hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và DNNN, trong thời gian 5 năm từ 2021-2025.