Một số vấn đề cơ bản về hoạt động bù trừ, thanh toán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30. Sau 9 tháng đi vào hoạt động, TTCKPS Việt Nam đã được công chúng đầu tư quan tâm, đón nhận và có sự tăng trưởng ấn tượng với số lượng tài khoản giao dịch/ký quỹ được mở, giá trị tài sản ký quỹ, giá trị giao dịch... đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm khai trương thị trường (so với ngày 10/8/2017, số lượng tài khoản được mở trên hệ thống đã tăng gấp hơn 8 lần, giá trị tài sản ký quỹ tăng gấp hơn 30 lần). Tiếp nối đà tăng trưởng của TTCKPS cũng như căn cứ nhu cầu của thị trường và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, dự kiến trong quý III/2018, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ tiếp tục phối với hợp Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để đưa sản phẩm HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP) vào giao dịch.
Về mặt tổ chức, HNX có trách nhiệm thiết kế sản phẩm và tổ chức giao dịch, VSD tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank - VTB) là ngân hàng thanh toán, thực hiện thanh toán tiền cho sản phẩm mới này. Cho đến nay, về cơ bản, công tác chuẩn bị của 03 đơn vị đã được hoàn tất để sẵn sàng đưa sản phẩm HĐTL TPCP vào giao dịch.
Tuy nhiên, do đây là sản phẩm mới, có tính đặc thù cao về thiết kế của sản phẩm cũng như phức tạp trong khâu định giá, bù trừ, thanh toán; vì vậy, để nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch một cách thuận lợi, bài viết này sẽ giới thiệu một số thông tin cơ bản về hoạt động bù trừ, thanh toán đối với HĐTL TPCP được thực hiện theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm thông qua VSD.
Về mở tài khoản giao dịch và ký quỹ để giao dịch HĐTL TPCP
Về mặt quy định, việc mở tài khoản phục vụ hoạt động giao dịch và ký quỹ của HĐTL TPCP không có gì khác biệt so với HĐTL chỉ số cổ phiếu. Theo đó, tại mỗi thành viên giao dịch (TVGD), nhà đầu tư được phép mở một tài khoản giao dịch và tại thành viên bù trừ (TVBT) được mở một tài khoản ký quỹ tương ứng để phục vụ cho mục đích giao dịch và ký quỹ CKPS.
Cho đến thời điểm tháng 5/2018, đã có 7 công ty chứng khoán (CTCK) được VSD đã chấp thuận làm TVBT, trong đó gồm 2 TVBT chung là Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và CTCP Chứng khoán VNDIRECT, 5 TVBT trực tiếp là CTCP Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), CTCP Chứng khoán MB (MBS), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng TPCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS). Tất cả các CTCK này cũng đồng thời là TVGD của HNX, do đó, nhà đầu tư có thể đến bất kỳ CTCK nào trong số 7 công ty trên để làm thủ tục mở và đăng ký tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ cho HĐTL TPCP.
Đối với việc nộp ký quỹ, bên cạnh việc nộp ký quỹ ban đầu tương tự như HĐTL chỉ số cổ phiếu, trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện thanh toán cuối cùng HĐTL TPCP sẽ phải nộp ký quỹ chuyển giao vật chất (DM) thay thế cho ký quỹ ban đầu trong khoảng thời gian từ sau ngày đáo hạn (E: Expiry date) cho đến ngày thực hiện việc thanh toán cuối cùng (E+3).
Về tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ chuyển giao vật chất cụ thể sẽ do TVBT quyết định nhưng trên nguyên tắc đảm bảo không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ tối thiểu do VSD công bố.
Hai loại tỷ lệ ký quỹ này sẽ được VSD tính toán và công bố tối thiểu là 02 ngày làm việc trước khi áp dụng, trong đó tỷ lệ ký quỹ ban đầu sẽ được VSD định kỳ đánh giá lại vào các ngày 01, 10 và 20 hàng tháng để có sự điều chỉnh nếu cần thiết.
Về tài sản được chấp thuận ký quỹ, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải nộp ký quỹ 100% bằng tiền đối với ký quỹ ban đầu, riêng đối với ký quỹ chuyển giao vật chất (DM), nhà đầu tư bên mua thực hiện nộp ký quỹ bằng tiền, nhà đầu tư bên bán có thể nộp ký quỹ bằng tiền hoặc chứng khoán là TPCP nằm trong danh sách trái phiếu có thể chuyển giao (mỗi tháng hợp đồng của HĐTL TPCP sẽ có một danh mục TPCP có thể chuyển giao riêng biệt, được VSD phối hợp với HNX xác định và công bố trước khi đưa tháng hợp đồng đó vào giao dịch).
Giao dịch, thế vị và bù trừ vị thế HĐTL TPCP
Hoạt động giao dịch HĐTL TPCP của nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua TVGD và HNX tương tự như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu. Sau khi khớp lệnh, kết quả giao dịch sẽ được chuyển ngay cho VSD để thực hiện việc kiểm tra thông tin và xác nhận tính hợp lệ của giao dịch.
Theo đó, chỉ có các giao dịch có đầy đủ thông tin tài khoản, nhà đầu tư và thông tin sản phẩm phù hợp thì mới được VSD chấp nhận thế vị.
Thế vị là việc VSD tham gia vào giao dịch để trở thành người bán của mọi người mua và trở thành người mua của mọi người bán trong giao dịch gốc ban đầu.
Thông qua cơ chế này, VSD sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho thị trường, theo đó trong trường hợp một đối tác trong giao dịch gốc ban đầu mất khả năng thanh toán thì VSD sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho bên còn lại.
Về bù trừ vị thế, đây là việc VSD thực hiện bù trừ giữa các vị thế đối nghịch có cùng tài sản cơ sở và thời điểm đáo hạn để xác định ra số lượng vị thế ròng còn lại, làm cơ sở để tính toán, xác định ra giá trị ký quỹ yêu cầu và nghĩa vụ thanh toán ròng trên mỗi tài khoản của nhà đầu tư.
Ví dụ: Giả sử Nhà đầu tư A có 02 cam kết mua (long position) HĐTL TPCP với thời điểm đáo hạn (thời điểm thực hiện) là tháng 5/2018 và 01 cam kết bán (short position) cũng là HĐTL TPCP với thời điểm đáo hạn (thời điểm thực hiện) là tháng 5/2018 thì sau khi bù trừ vị thế, số lượng vị thế ròng còn lại cả nhà đầu tư là 01 vị thế mua (long position).
Xác định giá trị ký quỹ yêu cầu đối với từng tài khoản của nhà đầu tư
Theo quy định, VSD sẽ thường xuyên tính toán giá trị ký quỹ yêu cầu cho từng tài khoản của nhà đầu tư trong phiên giao dịch với giả định rằng, trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, toàn bộ vị thế của nhà đầu tư được thanh lý thì giá trị tài sản ký quỹ đã nộp cho VSD phải đủ để bù đắp toàn bộ số lỗ tối đa có thể phát sinh và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán còn lại (nếu có).
Theo đó, để xác định ra giá trị tài sản ký quỹ yêu cầu đối với mỗi tài khoản, trong công thức tính giá trị ký quỹ yêu cầu (MR) của VSD hiện nay sẽ gồm 3 thành phần sau:
- IM: Giá trị ký quỹ ban đầu yêu cầu để bù đắp số lỗ tối đa có thể xảy ra khi đem toàn bộ vị thế đi thanh lý và được tính dựa trên tỷ lệ ký quỹ ban đầu (IM rate) do VSD công bố trong từng thời kỳ và một số tham số khác.
Đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30, tỷ lệ ký quỹ ban đầu hiện đang được áp dụng là 10%. Đối với HĐTL TPCP, tỷ lệ ký quỹ ban đầu sẽ được VSD công bố tối thiểu 2 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đưa sản phẩm vào giao dịch.
- VM (lỗ thuần): Giá trị lỗ vị thế ròng của tất cả các vị thế ròng (sau khi đã bù trừ vị thế) trên một tài khoản được tính theo thời gian thực. Đây là nghĩa vụ về thanh toán lỗ vị thế mà nhà đầu tư lỗ phải nộp để VSD thanh toán cho nhà đầu tư lãi, do đó trong trường hợp VM ròng là dương thì giá trị VM trong MR là bằng không.
- DM: Nghĩa vụ thanh toán chuyển giao vật chất áp dụng đối với các loại CKPS thực hiện thanh toán cuối cùng bằng chuyển giao tài sản cơ sở và chỉ tồn tại trong thời gian từ sau ngày giao dịch cuối cùng đến ngày thanh toán cuối cùng, theo quy định hiện hành thời gian này là 3 ngày.
Giá trị DM sẽ được xác định dựa trên số lượng, quy mô HĐTL TPCP thực hiện thanh toán chuyển giao và tỷ lệ ký quỹ chuyển giao vật chất do VSD công bố trong từng thời kỳ.
Tỷ lệ ký quỹ này sẽ được dựa trên tỷ lệ ký quỹ DM tối thiểu được VSD tính toán, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận và công bố khi đưa sản phẩm HĐTL TPCP vào giao dịch trong thời gian tới.
Giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và giới hạn vị thế
Việc giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và tỷ lệ giới hạn vị thế đối với HĐTL TPCP được áp dụng tương tự như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu. Riêng về số lượng HĐTL TPCP cụ thể mà nhà đầu tư được phép nắm giữ, VSD sẽ tính toán, trình UBCKNN thông qua và công bố ít nhất là 01 tháng trước khi đưa sản phẩm vào giao dịch.
Về hoạt động thanh toán HĐTL TPCP
Theo Quy chế của VSD, hoạt động thanh toán đối với HĐTL TPCP sẽ bao gồm 2 loại là thanh toán lãi/lỗ vị thế và thanh toán đáo hạn, cụ thể:
+ Thanh toán Lãi/lỗ vị thế sẽ được thực hiện bằng tiền thông qua việc bù trừ chung lãi/lỗ vị thế của HĐTL TPCP với lãi/lỗ vị thế của HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30 để xác định ra nghĩa vụ thanh toán tiền thuần cuối cùng và thực hiện thanh toán vào ngày làm việc liền kề hôm sau (chu kỳ T+1);
+ Thanh toán đáo hạn được thực hiện theo phương thức chuyển giao vật chất (trái phiếu cơ sở), trong đó nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm chuyển giao trái phiếu và được nhận tiền, nhà đầu tư bên mua có trách nhiệm thanh toán tiền và được nhận trái phiếu, thời gian thực hiện thanh toán là vào ngày làm việc liền kề thứ 3 sau ngày đáo hạn (chu kỳ E+3).
Xuất phát từ đặc thù của HĐTL TPCP là tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán cao do phải chuyển giao số lượng lớn tiền và trái phiếu cũng như tính phức tạp trong khâu phân bổ, xác định số lượng chứng khoán và giá trị tiền thanh toán nên nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình thanh toán HĐTL TPCP cần lưu ý một số điểm sau:
- Để tính toán giá trị lãi/lỗ vị thế thuần cũng như giá trị thanh toán đáo hạn, VSD sẽ xác định giá thanh toán cuối ngày (DSP) hàng ngày và xác định giá thanh toán cuối cùng (FSP) tại ngày giao dịch cuối cùng.
Trong đó, về cơ bản, DSP của HĐTL TPCP được xác định theo trình tự và phương pháp tương tự như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu (ngoại trừ một số tham số về số lượng giao dịch khi tính giá VWAP và giá lý thuyết), riêng FSP của HĐTL TPCP sẽ được xác định bằng với DSP của HĐTL TPCP tại ngày giao dịch cuối cùng, thay vì chỉ số đóng cửa của chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng như đối với HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30.
- Nếu không có kế hoạch và sự chuẩn bị để tham gia vào hoạt động thanh toán cuối cùng HĐTL TPCP vốn tiềm ẩn rủi ro mất khả năng thanh toán cao, nhà đầu tư cần theo dõi và kịp thời tiến hành mở vị thế đối nghịch để đóng vị thế trước khi kết thúc phiên giao dịch của ngày giao dịch cuối cùng.
- Trong trường hợp tham gia vào quá trình thanh toán chuyển giao cuối, theo Quy chế của VSD, chậm nhất vào 15h30 ngày đáo hạn (ngày E), nhà đầu tư có trách nhiệm chứng minh khả năng thanh toán của mình, cụ thể:
+ Nhà đầu tư bên mua chứng minh khả năng thanh toán tiền bằng Thư bảo lãnh của ngân hàng về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán HĐTL TPCP đáo hạn hoặc Văn bản xác nhận của ngân hàng về việc đã phong tỏa số tiền sử dụng cho thanh toán đáo hạn HĐTL TPCP của nhà đầu tư trên tài khoản tiền gửi đứng tên TVBT.
Giá trị tiền phải chứng minh được xác định dựa trên số lượng HĐTL thực hiện thanh toán đáo hạn và giá trị danh nghĩa của 01 HĐTL TPCP là 01 tỷ đồng.
Trong trường hợp không chứng minh được toàn bộ hoặc một phần số tiền phải thanh toán, toàn bộ hoặc một phần vị thế tương ứng với số tiền đó sẽ được VSD thực hiện chuyển khoản sang tài khoản khác có vị thế đối ứng để thực hiện đóng vị thế bắt buộc và nhà đầu tư bên mua sẽ phải trả một khoản tiền phạt cho nhà đầu tư có vị thế đối ứng đã sử dụng để đóng vị thế bắt buộc.
+ Nhà đầu tư bên bán chứng minh khả năng chuyển giao TPCP bằng các tài liệu xác nhận về số lượng TPCP trên tài khoản chứng khoán ký quỹ của nhà đầu tư tại TVBT, TPCP dự kiến mua, vay trong thời gian từ ngày E+1 đến E+3 (TPCP được xác nhận phải thuộc danh sách trái phiếu có thể chuyển giao do HNX xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của HNX và VSD).
- Cuối ngày E+2, nhà đầu tư bên bán có trách nhiệm xác nhận với VSD cụ thể về loại và số lượng TPCP sẽ thực hiện chuyển giao; nhà đầu tư bên mua cần theo dõi thông báo của TVBT để biết chính xác số tiền mà mình phải thanh toán.
Số tiền này sẽ được VSD tính toán, xác định dựa trên lựa chọn của nhà đầu tư bên bán về loại và số lượng TPCP cụ thể sẽ thực hiện chuyển giao cũng như kết quả phân bổ số TPCP đó cho các nhà đầu tư bên mua theo nguyên tắc ngẫu nhiên (công thức tính toán và ví dụ tại Phụ lục 1 và 2 dưới đây).
Căn cứ kết quả tính toán và thông báo của VSD, các bên liên quan sẽ thực hiện thanh toán tiền và TPCP trong khoảng thời gian từ 15h30 đến 16h chiều ngày E+3.