Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững
Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 26/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình nhiều nội dung trọng tâm về thu chi ngân sách nhà nước và nợ công.
Thu ngân sách nhà nước vượt khá so với dự toán
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện thu ngân sách nhà nước trong 2 năm 2016 và 2017 đều vượt khá so với dự toán. Cụ thể, năm 2016 vượt 9,3%, năm 2017 vượt 6,3% so với dự toán; Tỷ trọng lưu động và ngân sách nhà nước bình quân là 25,2% GDP, trong đó từ thuế và phí là 21,3% GDP. Trong khi mục tiêu này đặt ra là huy động không thấp hơn 23,5%, trong đó từ thuế và phí khoảng 21%, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho ngân sách.
Đồng thời, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa bình quân 2 năm đạt 80% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong khi giai đoạn 2011-2015 là 68%; Tỷ trọng thu từ dầu thô giảm còn 3 đến 4% thu ngân sách.
Thu ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng 55% - 56%. Thu ngân sách địa phương chiếm khoảng 44% - 45% tổng thu ngân sách nhà nước; Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 23 xuống 20% năm 2016.
Bên cạnh đó, chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ. Kết quả 2 năm 2016 và 2017 đã kiểm soát chặt chẽ hơn về chi và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế. Tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng chi đầu tư phát triển 2 năm 2016, 2017 bình quân đạt 27% tổng chi ngân sách nhà nước, cao hơn mục tiêu đề ra lần lượt là 25%, 26%. Tỷ lệ chi thường xuyên 2 năm 2016, 2017 khoảng 62% đến 63% và riêng dự toán năm 2018 là 61,7%. Mục tiêu là giảm xuống dưới 64%, trong khi chúng ta vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở là 7%/năm.
Có được kết quả trên, Chính phủ và Bộ Tài chính chủ động, quyết liệt thực hiện yêu cầu tái cơ cấu ngân sách nhà nước, thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách, 5 năm với các giải pháp để cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bền vững.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa lĩnh vực thuế và hải quan. Đến nay, cơ bản tất cả các doanh nghiệp đã thực hiện tự khai, tự nộp thuế, thực hiện thủ tục hoàn thuế qua hệ thống điện tử. Đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở tất cả các đơn vị của hải quan và triển khai cổng thanh toán điện tử, hệ thống VNACC, VCIS tại các cơ quan hải quan, triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm một số sắc thuế với mức cao và nhanh hơn so với lộ trình trong thời gian vừa qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, dù ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách trung ương nói riêng; Mở rộng kết nối, thu thuế điện tử giữa cơ quan thuế, hải quan, các ngân hàng thương mại với Kho bạc Nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng cạnh tranh của quốc gia.
Đồng thời tiếp tục siết chặt kỷ luật chi ngân sách, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách; Đẩy mạnh thực hiện khoán chi, xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn...
Năm 2020 giảm dần mức bội chi ngân sách không quá 3,5% GDP
Về vấn đề bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, trong hai năm vừa qua bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công đã được quản lý, giám sát chặt chẽ, bám sát dự toán Quốc hội giao, huy động trái phiếu Chính phủ trong nước theo tiến độ giải ngân thực tế.
Do vậy, số bội chi tuyệt đối năm 2016 và 2017 đều giảm so với dự toán. Năm 2016 đã giảm 5.505 tỷ đồng, năm 2017 đã giảm 4.000 tỷ đồng. Trong những năm tới sẽ phấn đấu giảm dần mức bội chi để đạt mục tiêu đến năm 2020, bội chi ngân sách không quá 3,5% GDP và bình quân cả giai đoạn là 3,9% GDP theo nghị quyết Quốc hội và nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nợ công được quản lý chặt chẽ trong hai năm 2016 và 2017. Tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011-2015. Nợ công giảm từ 63,6% cuối năm 2016 xuống còn 61,4% cuối năm 2017, giảm 2,2% so với GDP và nợ Chính phủ cũng giảm tương ứng, từ 52,6% GDP xuống còn 51,8% GDP.
Về kỳ hạn, đã kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, năm 2011 bình quân là 3,9 năm đến 2017 là phát hành 12,74 năm. Qua đó, tăng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ của năm 2011 là 1,84 năm thì đến năm 2017 là 6,71 năm; Lãi suất huy động cũng giảm mạnh qua các năm. Nếu như năm 2011, bình quân chúng ta huy động là 12,1%/năm thì năm 2017 là 5,98%/năm, 5 tháng đầu năm 2018 bình quân huy động 4,12%/năm. Về cơ cấu vay nợ, giảm tỷ trọng vay nước ngoài từ 61% năm 2011 xuống còn 40% vào cuối năm 2017.
Về cơ cấu nhà đầu tư, giảm tỷ trọng giữ trái phiếu Chính phủ của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 53,06% cuối năm 2017. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các doanh nghiệp chứng khoán, bảo hiểm năm 2017 tăng lên là 45,95% trong khi năm 2016 là 19,57%.