Một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Khái quát về tình hình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Do vậy, để các nội dung Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sớm thực hiện các đồng bộ giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển. Trong thực tế, khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đã, đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Khái quát chung về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường, bao gồm kinh tế các hộ gia đình, cá thể và các doanh nghiệp tư nhân, là bộ phận chủ yếu của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm, cụ thể là tăng từ 371 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 2.000 nghìn tỷ đồng vào năm 2018 (Tổng cục Thống kê, 2018). Tỷ lệ đóng góp GDP của kinh tế tư nhân giai đoạn 2005- 2018 đạt từ 40%- 45%, mức độ đóng góp, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, xu hướng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm nhẹ, từ 45% giai đoạn 2010-2012 giảm xuống còn trung bình 42% giai đoạn 2012-2018. Một mặt, do sự lớn mạnh của khu vực kinh tế có vốn FDI, mặt khác, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân dễ bị tác động nhất (Hình 1).
Mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã có sự tăng trưởng, từ 7,9% năm 2006, đến năm 2010 là 10,53% và năm 2018 ước trên 14% tổng thu NSNN. Mức độ đóng góp này so với từ khu vực FDI qua các năm là tương đương nhau.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2005- 2018 đạt 38%- 43%, đặc biệt tăng mạnh trong những năm gần đây và thành nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân cũng thu hút đông đảo lực lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn lao động. Theo Tổng cục Thống kê (2018), lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là trên 45 triệu người, chiếm 83% lực lượng lao động cả nước. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội…
Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giải quyết hữu hiệu các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Những tồn tại, hạn chế
Thời gian qua, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế đất nước nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế còn tồn tại như sau:
Thứ nhất, năng suất lao động còn thấp: Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù có sự tham gia của đông đảo các lực lượng lao động nhưng thành phần tham gia trong khu vực kinh tế này chủ yếu lại là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, sử dụng nhiều lao động, nên năng suất lao động không cao, năng lực sản xuất còn hạn chế, thiếu nguồn vốn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...
Thứ hai, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân còn chưa cao. Từ năm 2011 đến nay, hệ số ICOR của kinh tế tư nhân giao động từ là 5-6, mức này cơ bản bằng với hệ số ICOR của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ICOR của kinh tế tư nhân so với khu vực có vốn FDI vẫn cao hơn, cho thấy hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong nước chưa bắt kịp với những doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là do khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp và chưa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu (Hình 2).
Thứ ba, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Theo Tổng cục Thống kê (2018), cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân, số doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới 96%, trong đó, gồm 114,1 nghìn doanh nghiệp nhỏ và 385,3 nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, năng lực quản trị và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế, cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Chưa kể, việc tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng chi phí tài chính về vốn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh về giá.
Thứ tư, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề chưa đa dạng và nhạy bén với thị trường. Cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi có tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều, dẫn đến chậm thay đổi cơ cấu sản phẩm, ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế. Theo số liệu của Cục phát triển Doanh nghiệp (2018), số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không nhiều, thường thấp hơn đáng kể số doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân
Để tiếp tục phát huy vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, ban hành chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trọng tâm là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - bộ phận lớn của kinh tế tư nhân nhưng năng lực còn hạn chế. Quan điểm này được đề xuất nhằm triển khai theo chủ trương của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước mắt, cần giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên quy mô của các doanh nghiệp (doanh thu, số lao động); mức thuế suất nên giảm xuống mức 15%-17%, bằng với mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, đảm bảo sự khuyến khích đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hai là, có chính sách tài chính hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kinh nghiệm một số nước cho thấy cần nghiên cứu thực hiện hỗ trợ bằng tiền, miễn thuế đối với xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu và nhân lực nghiên cứu. Đồng thời, cần nâng mức tối đa trích Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp so với mức trích tối đa là 10% thu nhập tính thuế. Đây là biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân nơi khó tiếp cận nguồn vốn cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Ba là, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Quỹ Phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, các Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… để mở rộng kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nguồn vốn vay ngân hàng còn hạn chế do kinh tế tư nhân còn khó khăn trong việc chứng minh tài chính, tài sản đảm bảo và uy tín kinh doanh.
Đồng thời, hỗ trợ, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận được các hình thức huy động vốn khác như thuê tài chính, phát hành trái phiếu, vay nợ quốc tế, tín dụng qua các tổ chức tài chính vi mô, nâng cao nhận thức tài chính của kinh tế cá thể và các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bốn là, tiếp tục hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian qua, một số quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay chỉ mới có Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Lượng vốn hằng năm của Quỹ chưa nhiều, năm 2017, tổng nguồn vốn của Quỹ là 570 tỷ đồng, giá trị vay tối đa không quá 10 tỷ đồng, điều kiện vay vốn, cơ chế thẩm định vay còn chưa được cụ thể. Do đó, cần chi tiết các vấn đề trên trong Nghị định và Thông tư về Quỹ, cũng như việc tăng nguồn vốn cho Quỹ lên 2.000 tỷ đồng theo kế hoạch. Cùng với đó, cần có chính sách và những hỗ trợ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh tế tư nhân ở các địa phương ngoài Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ, trọng tâm vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp… nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, vì vậy, cần thiết có những chính sách đột phá, nhất là các chính sách về vốn, đầu tư, thuế và hỗ trợ khoa học công nghệ để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2018), Niên giám thống kê năm 2017, NXB Thống kê;
- Tổng cục Thống kê (2018), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018;
- Tổng cục Thống kê (2018), Số liệu thống kê 2018;
- VCCI và USAID (2017), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Đo lường năng lực điều hành kinh tế vì sự phát triển của khu vực tư nhân;
- Tô Hoài Nam (2017), Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, Báo Nhân dân.