Cách mạng công nghiệp 4.0: Những thách thức đối với phát triển kinh tế tư nhân


Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội tốt cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ tiện ích, chi phí phù hợp, từ đó, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức cho khu vực kinh tế tư nhân.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội tốt cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ tiện ích.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội tốt cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ tiện ích.

Với mức đóng góp khoảng 43% vào tăng trưởng GDP, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2018, đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm 2017, chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017 và bằng 33,5% GDP).

Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu nhưng thách thức lớn mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề cạnh tranh. Những doanh nghiệp tư nhân muốn tồn tại và phát triển cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Những doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi của cuộc cách mạng số sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động... từ đó gia tăng lợi nhuận. Ngược lại, doanh nghiệp nào không thích ứng được sẽ bị tụt lùi, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thích ứng được với những thay đổi mới. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn không hiểu bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng...

Từ đó, thách thức đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số lại đặt ra với khu vực kinh tế tư nhân. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên, chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số sẽ làm tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Điều này đặt ra thách thức cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng về vấn đề an toàn cho hệ thống thông tin, vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về số lượng, chất lượng, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và các thành viên tham gia phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động kinh tế tư nhân. Trong đó, việc xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ.

Trước những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với kinh tế tư nhân, cần phải có những giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn góp phần đẩy mạnh kinh tế tư nhân. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển phù hợp để tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phát huy thế mạnh và tiềm năng của kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân cần đổi mới sáng tạo, xem xét lại mô hình tổ chức để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.