Một số vấn đề về thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ở Việt Nam


Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp tăng gấp 4 lần (từ mức hơn 22 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên đến hơn 231 nghìn tỷ đồng năm 2018). Quy mô vốn bình quân trong các doanh nghiệp nông nghiệp năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/doanh nghiệp (vốn bình quân doanh nghiệp cả nước là 72,82 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết khái quát những kết quả đạt được về phát triển nông nghiệp thời gian qua, đề xuất một số giải pháp, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.

Đường lối chính sách phát triển nông nghiệp

Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là: xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đồng thời, đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài...

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp là phát triển nông nghiệp bền vững; Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; Phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; Bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 là: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân”.

Trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta liên tục được bổ sung, hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý ngày một thông thoáng và ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn.

Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong 5 năm qua (2014-2018), Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết về các chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã có nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các nghị định mới tập trung vào các cơ chế chính sách ưu đãi về sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào DN, ưu tiên hỗ trợ một số dự án đầu tư vào nông nghiệp nhất là các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao; Giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Đây là những cơ hội tốt tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tình hình thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp

Với việc các cơ chế, chính sách liên tục được Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đã giúp ngành Nông nghiệp đạt được kết quả khá toàn diện và ổn định trong nhiều năm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005 - 2016, số lượng các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ trên 2.000 DN lên hơn 4.000 DN. Năm 2017, cả nước có 1.955 DN đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa số lượng DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 5.661 DN.

Tiếp đến quý II/2018, Việt Nam có khoảng 7.600 DN nông nghiệp, nếu tính cả DN chế biến nông, lâm, thủy sản và DN thương mại hàng lương thực thực phẩm, số lượng đã tăng từ hơn 12 nghìn DN năm 2005 lên đến 42 nghìn DN năm 2018. Như vậy, có thể thấy trong những năm vừa qua, số lượng các DN nông nghiệp đã tăng một cách mạnh mẽ.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp tăng gấp 4 lần (từ mức hơn 22 nghìn tỷ đồng lên đến hơn 231 nghìn tỷ đồng năm 2018). Quy mô vốn bình quân trong các DN nông nghiệp năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/DN (vốn bình quân DN cả nước là 72,82 tỷ đồng/DN).

Sự đầu tư, phát triển của các DN nông nghiệp còn có vai trò quan trọng và đóng góp nhiều trong việc thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số lao động thường xuyên làm việc trong các DN nông nghiệp năm 2017 là hơn 300 nghìn người, chiếm 2,3% tổng số lao động trong khu vực DN cả nước. Bình quân mỗi DN nông nghiệp sử dụng 30 lao động, cao hơn so với số lao động bình quân trong DN chung cả nước là 28 lao động/DN.

Một số tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp

Những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp phần nào đã truyền cảm hứng cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, số lượng DN nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng hơn 1% trong tổng số các DN cả nước. Bên cạnh đó, có tới hơn 95% số DN nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp; trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các DN nông nghiệp còn thấp.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có tới 75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp thông tin từ cộng đồng DN và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, hiện có các vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp và cơ chế, chính sách. Đáng chú ý như:

- DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định.

- Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.

- Khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi.

- Thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn, chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ DN về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

- Nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao, chưa được đào tạo về công nghệ, kỹ thuật.

- Ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp. Sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao.

- Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.

- Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho DN phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương.

- Còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước và truyền thông về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số giải pháp tăng cường thu hút đầu tư

Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là phát triển các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian tới, để phát huy lợi thế này cần tập trung vào một số nhóm giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm:

- Về phía các cơ quan quản lý cần nghiêm túc và khẩn trương thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN một cách nghiêm túc và thực chất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và ban hành ở cấp nghị định; Nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành; Rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

- Về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp, có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và DN. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thí điểm các mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp tại một số địa phương.

- Thúc đẩy DN đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Trong đó, cần ban hành chính sách đột phá về khoa học và công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ trong một số lĩnh vực chủ lực như: Giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc...; Có cơ chế nghiên cứu khảo nghiệm giống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống, kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường; Đẩy nhanh việc hình thành các Khu/Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến, các mô hình đổi mới sáng tạo phục vụ cho nông nghiệp; Quy tụ các nhà đầu tư, DN nông nghiệp, nhà nghiên cứu…

- Khẩn trương tổ chức hướng dẫn triển khai có hiệu quả các nghị định của Chính phủ mới ban hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII;
  2. Nông nghiệp Việt Nam, 5 năm phát triển toàn diện, đăng ngày 1/1/2016, http://www.vaas.org.vn;
  3. Nguyễn Thị Minh Huệ (2017), Quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, Tạp chí Lý luận chính trị;
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Hội nghị toàn quốc thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (ngày 30/7/2018).