Mưa án phạt: Năm nay có tạnh?

Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)

Năm 2008, UBCK đã xử phạt 136 vụ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán với tổng giá trị xử phạt 4,235 tỷ đồng. Tất nhiên, đó vẫn còn là con số khiêm tốn, vì nếu áp dụng nghiêm khắc theo Nghị định 36/2007/NĐ-BTC về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK", thì giá trị xử phạt chắc còn lớn hơn nhiều. Còn tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), số vụ vi phạm bị khiển trách, nhắc nhở là nhiều không kể hết, mà đáng kể nhất vẫn là tình trạng giao dịch chui của các cổ đông nội bộ DN và người có liên quan, vi phạm quy chế giao dịch tại Sở.

Việc vi phạm quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật, quy chế giao dịch tại HOSE dường như tăng mạnh theo mỗi giai đoạn tăng hay giảm mạnh của thị trường. Và năm 2008 xuất hiện "mưa án phạt" không biết do sự sát sao hơn của cơ quan quản lý hay do các cá nhân, DN tùy tiện và… làm liều hơn?

Vì thiếu hiểu biết?

Phóng viên ĐTCK đã không ít lần cảm thấy ngạc nhiên khi trong quá trình trao đổi với DN về những khúc mắc của cổ đông thì bất ngờ được nghe câu hỏi ngược: "Ơ, thế bọn anh phải đăng ký công ty đại chúng (CTĐC) à?"; "Bị phạt á? Thôi, bọn em chờ bên anh làm thủ tục xong rồi hãy đưa lên báo…". Điều này cho thấy, dù Luật Chứng khoán đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 nhưng đến nay, không ít ông chủ vẫn cảm thấy bất ngờ trước nghĩa vụ công bố thông tin của mình. Có lẽ vì vậy mà nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng, rất nhiều CTĐC bị "phạt nguội" do vi phạm từ giữa năm 2007, mà chủ yếu là vi phạm do phát hành tăng vốn không đúng luật định.

Thậm chí, một NĐT khi bị phạt vì tội giao dịch chứng khoán vi phạm Luật Chứng khoán hồi năm ngoái còn trả lời rằng, họ không biết đấy là vi phạm.

Vì mức xử phạt rất nhẹ?

Với vi phạm về phát hành chứng khoán ra công chúng khi không đáp ứng đủ các điều kiện, ví dụ có lỗ năm liền trước, thì khi bị phát hiện, DN cũng chỉ bị phạt với mức không hề tương xứng. Việc chậm trễ đăng ký CTĐC hoặc không công bố thông tin định kỳ… cũng chịu mức phạt rất nhẹ, nhiều trường hợp, tính đến thời điểm hiện tại vẫn… chưa bị phạt. Thậm chí, một lãnh đạo DN khi được hỏi tại sao không thực hiện đăng ký CTĐC và công bố thông tin định kỳ còn trả lời rằng: Có sao đâu, nếu chẳng may bị phát hiện, giỏi lắm cũng chỉ mất vài chục triệu đồng.

Với vi phạm thao túng giá trên TTCK, mức phạt cũng rất khiêm tốn, như trường hợp đại gia thao túng giá cổ phiếu STB chỉ bị phạt 100 triệu đồng, hay trước đó, vụ thao túng giá VF1 bị phạt cao nhất là 100 triệu đồng/một cá nhân thì rõ ràng, so sánh với những gì có thể đạt được nếu thao túng thành công, NĐT sẽ còn làm lại khi có thể.

Bên cạnh đó, những vi phạm như, đại diện sàn của CTCK tham gia "đua lệnh", hoặc các cổ đông nội bộ, người có liên quan… giao dịch chui tràn lan mà mức cao nhất cũng chỉ là khiển trách, yêu cầu giải trình hoặc thu hồi thẻ đại diện giao dịch.

Tất nhiên, UBCK hiện cũng đang gặp khó khi áp dụng nghiêm khắc các mức xử phạt, vì một phần, mức xử phạt đang quy định quá nhẹ hoặc quá… nặng tay. Nên chăng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên sớm điều chỉnh lại mức xử phạt để có thể dễ dàng triển khai hơn? Như tại Pháp, trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chứng khoán và TTCK nhằm trục lợi thì có thể bị xử phạt đến 3 lần mức lợi ích trái phép mà họ thu được, hoặc tại Singapore lên tới 5 lần… Những trường hợp khác có thể xử phạt số tiền cố định đủ lớn hoặc đưa ra toà. Như vậy, mức xử phạt như trên có thể khiến cơ quan quản lý không phải "áy náy" về quyết định xử phạt của mình và cũng góp phần làm cho DN, cá nhân phải thận trọng hơn trước quyết định vi phạm hay nghiêm túc chấp hành pháp luật?

Và hệ thống giám sát lỏng lẻo?

Như đã nói, rất nhiều trường hợp xử phạt vi phạm đăng ký CTĐC năm 2008 là do DN đã mắc lỗi năm 2007. Điều này cho thấy rằng, nếu DN sau khi vi phạm vẫn tiếp tục không đăng ký CTĐC hoặc không vì một lý do khác (chẳng hạn do NĐT khiếu kiện hay báo chí nêu ra) thì chắc chắn sẽ khó lòng bị phát hiện. Việc này cho thấy rằng, hệ thống giám sát hiện tại chưa thể bao quát hết thực trạng DN và NĐT. Đây cũng là điều hợp lý trong bối cảnh DN thì quá nhiều, cơ quan quản lý lại khiêm tốn về số lượng nhân sự, trong khi hệ thống giám sát hiện đại vẫn ở thì… tương lai.

Trong năm vừa qua, UBCK đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh/thành phố, các cơ quan chủ quản khác về việc hỗ trợ UBCK đốc thúc DN thực hiện đúng các quy định về nghĩa vụ liên quan đến chứng khoán và TTCK cũng như phối hợp với UBCK để dừng và khiển trách, xử phạt các hoạt động vi phạm của CTĐC. Hy vọng, việc kết hợp giám sát với các cơ quan chức năng địa phương có thể hỗ trợ UBCK sớm đưa các DN vào khuôn khổ.

TTCK đã kết lại một năm không mấy thuận lợi, với hy vọng năm 2009 sẽ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp hơn và… ít vi phạm hơn nhờ sự nỗ lực của các bên tham gia, đặc biệt là cơ quan quản lý trong vai trò giám sát, xử phạt và tuyên truyền giáo dục.