Mua bán sổ BHXH: Phải xử mạnh tay!

Theo Nhóm phóng viên/nld.com.vn

Mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là hành vi phạm pháp, trục lợi trên hoàn cảnh khó khăn của người lao động, do đó phải xử lý mạnh tay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau khi BáoNgười Lao Động thông tin lợi dụng tình hình dịch Covid-19 khiến công nhân (CN) mất việc làm, nhiều đối tượng đã lập trang Facebook mạo danh cơ quan BHXH Bình Dương để thu gom, mua bán sổ BHXH nhằm trục lợi, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao các bộ, cơ quan: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, TP kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.

Làm rõ dấu hiệu mua bán

Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh, hành vi mạo danh cơ quan BHXH để mua bán sổ BHXH là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 8 Luật An ninh mạng. Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể phải nộp phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, pháp luật sẽ xử lý hình sự người có hành vi sai phạm như trên về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" với mức phạt lên đến 3 năm tù giam.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết ngoài việc có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh còn yêu cầu có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật đối với những tài khoản mạo danh trên, BHXH tỉnh cũng đã có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương để phối hợp vào cuộc điều tra làm rõ.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xem xét kỹ khi tiếp nhận các hồ sơ giải quyết chế độ BHXH bảo đảm đúng theo quy định của BHXH Việt Nam nhằm tránh các trường hợp giả mạo để trục lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Đặc biệt, BHXH tỉnh yêu cầu BHXH các huyện, thị xã, TP phải kiểm tra, theo dõi sát sao vấn đề liên quan đến ủy quyền nộp sổ BHXH và hồ sơ giải quyết chế độ một lần đối với người đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần có ủy quyền. "Nếu bất cứ NLĐ nào đem từ 2 sổ BHXH trở lên theo hình thức nhận ủy quyền đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần thì phải rà soát lại ngay.

Trước khi giải quyết chế độ, cần liên hệ chủ sổ hoặc làm việc cụ thể với người nhận. Những trường hợp cùng lúc mang nhiều sổ BHXH theo hình thức nhận ủy quyền đến làm chế độ, cơ quan BHXH kiên quyết từ chối và làm rõ có dấu hiệu mua bán, cầm cố hay không, nếu có, phải báo cơ quan công an xử lý" - bà Lý cho biết thêm.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khẳng định tình trạng mua gom sổ BHXH không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội sau này. Do vậy, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn (CĐ), đặc biệt là CĐ cơ sở, đẩy mạnh việc tuyên truyền để cảnh báo đoàn viên, NLĐ không bị các đối tượng xấu lợi dụng, kịp thời bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương), chia sẻ: "Chúng tôi lưu ý NLĐ rằng bán sổ BHXH đồng nghĩa với việc toàn bộ quá trình đóng BHXH sẽ bị mất, phải tham gia lại từ đầu, ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ chính sách về BHXH sau này".

Ngô Thị Thúy Kiều - kẻ giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương, để thu mua sổ BHXH - bị cơ quan công an mời làm việc. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Ngô Thị Thúy Kiều - kẻ giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương, để thu mua sổ BHXH - bị cơ quan công an mời làm việc. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Khó mấy cũng không bán sổ BHXH

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 13/4, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho biết hiện tượng thu gom sổ BHXH như trên không phải bây giờ mới có mà có từ lâu, Bộ LĐ-TB-XH đã và đang lên tiếng cảnh báo, tuyên truyền. "Điều quan trọng nhất lúc này là cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan công an để xử lý, ngăn chặn tình trạng thu gom sổ BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ" - ông Lê Quân nói.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cái gốc của vấn đề là chính sách hưởng BHXH một lần. "Do NLĐ cần tiền nên các đối tượng đến thu gom. Chỉ cần nhìn trên sổ BHXH của NLĐ là các đối tượng thu gom sẽ tự tính toán được khi quyết toán hưởng BHXH một lần thì được bao nhiêu tiền, sau đó các đối tượng sẽ viết giấy vay nợ và thế chấp bằng sổ BHXH. Đến hạn trả tiền, các đối tượng yêu cầu NLĐ đi thanh quyết toán với BHXH để hưởng trợ cấp một lần" - ông Lê Quân cho hay. Ông Quân nhấn mạnh chúng ta đã rất khó khăn để thu hút được một người tham gia BHXH nhưng tình trạng này đã khiến rất nhiều NLĐ rời khỏi BHXH.

Trả lời về việc có thể siết chặt quy trình chi trả BHXH một lần hay không, ông Lê Quân cho biết trước đây quy trình rất chặt chẽ và hạn chế việc rút BHXH để hưởng một lần. Tuy nhiên, do có không ít NLĐ phản ứng nên Luật BHXH đã phải sửa điều 60.

Chị Diệp Thị Pho Ly, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại văn phòng phẩm Trần Vĩnh Phát (quận 6, TP. Hồ Chí Minh), cho biết rất bức xúc khi biết thông tin nhiều người gom mua sổ BHXH của NLĐ mất việc giữa dịch Covid-19, bởi đây là hành vi trục lợi BHXH. Cách đây không lâu, công ty nơi chị Ly làm việc phải đóng cửa sau thời gian hoạt động cầm chừng vì dịch Covid-19. Chồng chị cũng đang tạm nghỉ việc. Mất việc làm đồng nghĩa việc cả hai vợ chồng đều mất nguồn thu nhập trong khi 2 con còn rất nhỏ. Khó khăn chồng chất trước mắt nhưng vợ chồng chị chưa từng nghĩ tới việc cầm cố hay bán sổ BHXH. Họ chỉ mong dịch mau chóng qua đi để đi làm trở lại và tiếp tục đóng BHXH.

Pháp luật về BHXH hiện hành có quy định hành vi bị nghiêm cấm khi chiếm dụng tiền hưởng BHXH hoặc khi làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Do đó, hậu quả của việc thu gom sổ BHXH làm ảnh hưởng BHXH của NLĐ là vi phạm pháp luật. Theo Quy định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp người NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ.

Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Điều 27 Nghị định số 95/2013 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí hành vi cầm cố sổ BHXH của NLĐ, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

"NLĐ tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình cho các đối tượng thu mua để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải coi sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của NLĐ" - lãnh đạo BHXH Việt Nam khuyến cáo.

Triệu tập vợ chồng giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương thu mua sổ bảo hiểm

Ngày 13/4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đã triệu tập Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (quê Bình Định) để làm rõ hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 khiến công nhân mất việc để mua gom sổ BHXH.

A05 xác định vợ chồng Kiều - Việt đã lập trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương để thu mua sổ BHXH của NLĐ. Ngoài trang "BHXH tỉnh Bình Dương", cặp đôi này còn lập hàng loạt tài khoản khác để giao dịch như: "Thu mua BHXH giá cao", "Thu mua BHXH"... Cơ quan công an đã thu được hàng chục sổ BHXH của NLĐ và nhiều tài liệu liên quan khác. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương điều tra làm rõ những người có hành vi tương tự.