Mùa M&A 2020 bắt đầu
Mùa đại hội cổ đông năm 2020 bắt đầu, giới đầu tư đang săn đón thông tin mới, đặc biệt là mua bán - sáp nhập (M&A), vì dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc. Không ít thương vụ M&A trong nhiều lĩnh vực dần lộ diện.
Lĩnh vực thực phẩm
Đình đám thời gian qua là câu chuyện sáp nhập 2 công ty con vào công ty mẹ trong “họ” KIDO. Đi kèm với động thái này, cổ phiếu của “họ” KIDO có chặng tăng giá ấn tượng.
Đầu tiên, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) có tờ trình sáp nhập vào Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) thông qua việc hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1,3 (1 cổ phiếu KDF đổi được 1,3 cổ phiếu KDC). Khi hoàn tất thương vụ, KDF sẽ chuyển thành công ty TNHH MTV do KDC sở hữu 100% vốn điều lệ.
Động thái trên khiến giới đầu tư bất ngờ, bởi chỉ vài năm trước đó, khoảng năm 2017, KDC mới thực hiện đại chúng hoá KDF và vẫn đang có kế hoạch chuyển cổ phiếu KDF từ đăng ký giao dịch trên UPCoM lên niêm yết trên HOSE.
Lý do là KDF sau khi đại chúng hoá chưa đạt được kỳ vọng về đa dạng hoá cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược, dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, với cơ cấu cổ đông độc lập giữa hai công ty, KDC không thể tập trung toàn lực để hỗ trợ KDF cũng như giúp KDF tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược của tập đoàn mẹ. Do đó, HĐQT KDF cho rằng, việc sáp nhập là cần thiết.
Ngoài ra, HĐQT KDF có tờ trình sẽ chia cổ tức năm 2020 là 30%/mệnh giá trước ngày KDF sáp nhập vào KDC. Với tỷ lệ sở hữu tại KDF là 65% vốn, tương ứng nắm 36,4 triệu cổ phiếu, KDC sẽ nhận về hơn 109 tỷ đồng cổ tức.
Một công ty khác của KDC là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) có tờ trình hợp nhất vào KDC, nhưng chưa tiết lộ phương án chi tiết. Về cổ tức, TAC đề xuất mức chi trả là 75%. Việc chia cổ tức sẽ thực hiện trước khi sáp nhập.
Được biết, cơ cấu cổ đông TAC khá cô đặc, với cổ đông lớn nhất là KDC nắm hơn 20,97 triệu cổ phiếu, tương ứng 61,91% vốn điều lệ; tiếp theo là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (VOC) năm 8,99 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,55% vốn điều lệ.
Như vậy, nếu chính sách cổ tức trên của TAC được thông qua, KDC sẽ nhận khoảng hơn 157 tỷ đồng và VOC nhận 67,4 tỷ đồng cổ tức. VOC đang có hai cổ đông lớn là KDC, sở hữu 51% và Bộ Công thương, sở hữu 36,3%.
Hiện tại, chưa có thêm thông tin mới, nhưng giới thạo tin trên thị trường cho rằng, việc sáp nhập 2 công ty con tốt nhất vào KDC không đơn giản chỉ để quy về một mối, mà đây là một cuộc tái cấu trúc để chuẩn bị cho việc lớn hơn sắp diễn ra ở KDC, đó là khả năng công ty này sẽ hợp tác chiến lược thông qua việc góp vốn cổ phần với đối tác ngoại.
Việc M&A giúp tăng thanh khoản cổ phiếu và tạo tiền đề cho kế hoạch niêm yết trên thị trường nước ngoài là ấp ủ được lãnh đạo KDC chia sẻ từ nhiều năm trước.
Năm 2020 là năm đánh dấu hết 5 năm KDC không được tham gia thị trường bánh kẹo theo cam kết khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại.
Lĩnh vực dược phẩm
Trong lĩnh vực dược phẩm, 2 doanh nghiệp niêm yết là Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) và Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD) đang được thị trường ngóng trông xuất hiện đối tác ngoại chiến lược, như đã từng xảy ra với DHG, PME, DMC…
Mới đây, động thái thoái vốn của nhóm quỹ Dragon Capital và sự xuất hiện cổ đông ngoại là Tập đoàn SK Group, Hàn Quốc tại IMP đang hé mở dần câu chuyện.
Trước đó, thị trường đã nhạy tin với việc có đối tác ngoại đang có động thái M&A tại IMP và DBD, động thái rõ ràng hơn ở DBD là việc doanh nghiệp thông qua nới room ngoại lên 100%.
Ban đầu, thị trường kỳ vọng thương vụ M&A tại DBD sẽ nhanh chóng có kết quả, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
Quay lại với IMP, SK Group đã nhận chuyển nhượng tới 25% vốn tại IMP (12,3 triệu cổ phiếu), phần lớn từ Dragon Capital.
Cụ thể, SK Investment Vina III thuộc Tập đoàn SK (SK Group) đã nhận quyền sở hữu lượng cổ phiếu, chủ yếu từ nhóm quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu đơn vị, phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…
Gần đây nhất, Balestrand Limited - quỹ thuộc Dragon Capital thông báo đã bán ra toàn bộ hơn 2,9 triệu cổ phiếu IMP (tỷ lệ 5,9%).
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết, Công ty buộc phải bán cổ phiếu IMP để tái cơ cấu danh mục đầu tư, dù SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, số một về đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, có khả năng góp phần đưa IMP phát triển.
Tuy nhiên, IMP không có tờ trình nới room ngoại từ 49% lên tối đa 100%. Đặc điểm cơ cấu cổ đông của IMP là thường xuyên kín room ngoại 49%, theo đó, nếu SK có muốn tăng thêm sở hữu tại IMP sẽ phải thoả thuận với các cổ đông ngoại còn lại.
Thông thường, các giao dịch thoả thuận ở các cổ phiếu kín room sẽ chịu mức chênh cao so với thị giá. Một nguồn tin cho biết, đợt thoái vốn vừa qua của nhóm Dragon Capital tại IMP có mức giá 6 “chấm”.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, triển vọng kinh doanh của IMP chủ yếu tới từ kênh ETC (bệnh viện), trong bối cảnh kênh OTC (nhà thuốc) có mức độ cạnh tranh rất cao và quy mô không quá lớn (chỉ chiếm 25% tổng doanh thu thuốc tại Việt Nam).
Mặt khác, kênh ETC có nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất thuốc tiêu chuẩn EU-GMP để thay thế thuốc nước ngoài trong nhóm thầu số 1 và 2. Về mặt chính sách, Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập là một “chất xúc tác” lớn cho IMP.
Cho đến ngày 17/4/2020, IMP là công ty trúng thầu nhiều nhất vào kênh ETC trong số các công ty dược niêm yết ở Việt Nam, với giá trị 512 tỷ đồng. Trong đó, IMP chủ yếu thắng thầu vào nhóm thuốc số 2 (474 tỷ đồng) do lợi thế đến từ hai nhà máy EU-GMP. Những năm trước, PME thường là công ty trúng thầu nhiều nhất. Năm 2019, PME trúng thầu 1.240 tỷ đồng, trong khi IMP trúng thầu 573 tỷ đồng.
Với DBD, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, đây cũng là một doanh nghiệp mạnh tại kênh ETC, có giá trị trúng thầu nhóm 3 cao. Nhận thấy những khó khăn trong phân khúc thuốc WHO-GMP, DBD đã đầu tư vào một nhà máy thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn EU-GMP (đang chờ xét duyệt). Đây sẽ là nhà máy EU-GMP đầu tiên của DBD. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào hai nhà máy EU-GMP khác trong tương lai. Trước mắt, DBD sẽ tập trung vào nhà máy thuốc ung thư, vốn là thế mạnh của Công ty.
Lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và khoáng sản Bình Dương (KSB), ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty đang ủy thác đầu tư vào một công ty vật liệu xây dựng tại Đồng Nai, với tỷ lệ nắm giữ gián tiếp 41% và sẽ tăng tỷ lệ sở hữu trong thời gian tới. Quy mô của công ty này còn lại 250 triệu tấn đá, gấp nhiều lần KSB và mức định giá rất lớn.
Theo ông Đạt, mục tiêu của KSB khi mua công ty trên là mở rộng kinh doanh và hướng tới trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đá xây dựng. Trong năm nay, KSB dự kiến hoàn tất sở hữu chi phối doanh nghiệp.
Nếu thực hiện thành công thương vụ M&A, áp lực bù đắp sản lượng khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa đối với KSB sẽ được giảm thiểu. Hiện KSB đang có khoản ủy thác đầu tư lên đến 1.300 tỷ đồng để tăng sở hữu cổ phần tại công ty vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đóc cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thể các thành viên trên thị trường, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn. Công ty có nhiều đối tác chào tổng cộng hơn 200 dự án - cơ hội chưa từng có để mua dự án, phát triển quỹ đất.
Trên thực tế, xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản hậu dịch Covid-19 đã được nhiều chuyên gia dự báo sớm, bởi đặc trưng trong nhóm này là sử dụng đòn bẩy nhiều. Theo đó, khi dịch bệnh xuất hiện, hiện tượng trả mặt bằng, nhà phố cho thuê (thường lấy nguồn vốn này để gối đầu cho các bất động sản tiếp theo) xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng đến dòng tiền của các doanh nghiệp không trường vốn, buộc phải giải phóng bớt tài sản.
Hoặc ở phân khúc đất nền, nhu cầu giảm đột ngột cũng khiến những nhà đầu tư phụ thuộc vào vốn vay phải bán bớt.
Ở phân khúc đô thị và khu công nghiệp, cổ phiếu SJS của Sudico gần đây có diễn biến tăng giá, trong 1 tuần tăng hơn 19%. Câu chuyện ở Sudico vẫn là thoái vốn nhà nước, nhưng dường như thị trường đang tin rằng, tiến độ đã cận kề cho việc thoái vốn.
Một số tín hiệu đáng chú ý từ đầu năm đến nay tại Sudico là trong tháng 2, nhóm Dragon Capital đã thoái toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 24/2, với tổng giá trị giao dịch gần 150 tỷ đồng, tương đương giá thỏa thuận bình quân 21.000 đồng/cổ phiếu. Bên mua là nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, vào ngày cuối cùng của năm 2019, ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Sudico đã bán ra 6,9 triệu cổ phiếu SJS theo phương thức thỏa thuận, với giá bình quân gần 16.300 đồng/cổ phiếu, số tiền thu về hơn 112 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Bình giảm từ 17,3% (19,87 triệu cổ phiếu) xuống còn 11,29% (12,97 triệu cổ phiếu).
Phiên 10/4/2019, cổ phiếu SJS có giao dịch thoả thuận 15,63 triệu đơn vị, tương ứng 13,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá trị giao dịch hơn 250 tỷ đồng, tương đương giá thoả thuận trung bình 16.000 đồng/cổ phiếu.
Theo một số nguồn tin, bên gom mua cổ phiếu là một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản và đã nắm được tỷ lệ sở hữu khá lớn.
Nguồn tin đánh giá, Sudico đang sở hữu dự án có quy mô lớn nhất là Nam An Khánh, đã được cấp phép đầu tư từ năm 2004 trên diện tích 312 ha, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Ðức, Hà Nội).
Với vị trí được đánh giá là đắc địa, sát đại lộ Thăng Long nối liền với trung tâm Thủ đô, dự án đã được quy hoạch, được cấp phép đầu tư, chỉ cần “ông lớn” nhảy vào là có thể triển khai.
Trong cơ cấu cổ đông của Sudico, Tổng công ty Sông Ðà đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 36,35% vốn điều lệ.
Cổ đông lớn thứ hai ông Ðỗ Văn Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sudico, với tỷ lệ nắm giữ 7,81% vốn. Nguồn tin cho biết, giờ chỉ cần “ông lớn” trên tham gia đấu giá hơn 36% vốn Sudico nữa là có thể chi phối hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng trong lĩnh bất động sản, thị trường đang quan tâm đến việc có hay không nhóm cổ đông mới tại một công ty phát triển nhà sẽ gom mua cổ phiếu và xin uỷ quyền để có thể có tiếng nói trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Ngoài câu chuyện quỹ đất, thông tin trên thị trường cho rằng, bên mua là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, mục đích là nhằm sở hữu chợ đầu mối nông sản có quy mô thuộc tốp 3 trên cả nước.
Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đang được thị trường đồn đoán sẽ có công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ, theo đó cổ đông lớn xuất hiện, dù mới đây, HBC có thông cáo báo chí về tin đồn Công ty cổ phần Sovico sở hữu 59,06% HBC là không chính xác.
Giới thạo tin cho biết, thực tế có động thái gom mua cổ phiếu HBC và bên sở hữu là các cá nhân - hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính và mong muốn bổ sung vào hệ sinh thái một công ty thi công xây dựng.