Mua nhà khi bất động sản hồi phục: Không nên chạy theo đám đông!

Theo tuoitre.vn

(Tài chính) Thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, người dân không nên mua nhà theo phong trào, còn các chủ đầu tư cũng không nên chạy theo các nhà đầu tư lớn mà nên tập trung vào khách hàng có nhu cầu thật sự.

Thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều điểm tích cực hơn, nhất là khi nhiều dự án được triển khai bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thực lực trải đều ở hầu hết các phân khúc thị trường với lợi nhuận kỳ vọng vừa phải, chỉ 5-12%.

Đặc biệt, xu hướng M&A bất động sản cũng giúp nhiều dự án được tái cơ cấu lại, nhiều dự án "chết" được hồi sinh, đảm bảo quyền lợi khách hàng và tăng thanh khoản cho thị trường. Thậm chí có sản phẩm người mua đã có lời dù không nhiều, do giá có dấu hiệu nhích lên.

Mua nhà khi bất động sản hồi phục: Không nên chạy theo đám đông! - Ảnh 1
Ông Lê Hoàng Châu
Dưới đây là trao đổi cụ thể của ông Lê Hoàng Châu với báo chí quanh vấn đề này.

Phóng viên: Một số chuyên gia nhận định ngoài những người có nhu cầu mua nhà để ở, sự sôi động của thị trường BĐS thời gian gần đây có sự tham gia của những nhà đầu tư lớn theo kiểu mua sỉ bán lẻ. Quan điểm của ông thế nào về nhận định này?

Ông Lê Hoàng Châu: Có thể khẳng định tại phần lớn dự án BĐS hiện nay những người mua nhà để ở chiếm tỉ lệ áp đảo, đặc biệt là căn hộ do nhu cầu nhà ở vẫn rất cao.

Như Tuổi Trẻ đã phân tích, với lãi suất (cả tiết kiệm lẫn cho vay) đang ở mức thấp, giá nhà hợp lý hơn và các chủ đầu tư đều có chính sách hỗ trợ nhất định cho người mua nhà, nên nhiều người dân có nhu cầu nhà ở thật sự bắt đầu rút tiết kiệm để mua nhà.

Nhưng tại một số dự án mà sản phẩm có giá trị lớn, bên cạnh người tiêu dùng thật sự và một số người đầu tư nhỏ theo kiểu mua thêm căn hộ để cho thuê, có nhiều chỉ dấu cho thấy đã có sự tham gia tích cực của những nhà đầu tư lớn. Họ mua vào và không nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, bởi chênh lệch nếu có cũng chưa nhiều, mà đầu tư dài hạn. 

Theo tôi, sự tham gia này là cần thiết, có tác động tích cực đến thị trường bởi họ là điểm kết nối giữa chủ đầu tư với người tiêu dùng kỳ vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, mặt trái của hoạt động đầu tư này - một khi nó chuyển thành hoạt động đầu cơ - là có khả năng tạo ra những cơn sốt ảo cục bộ tại một vài dự án, gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS nói chung như từng diễn ra cách đây không lâu.

Theo ông, có giải pháp nào để ngăn chặn hoạt động đầu cơ theo kiểu lướt sóng mà không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư có lợi cho thị trường BĐS?

Theo tôi hoạt động đầu cơ không thể ngăn chặn hoàn toàn, nghĩa là không có giải pháp nào là hoàn hảo. Ở bất kì thị trường hàng hóa nào cũng tồn tại hoạt động này chứ không riêng gì thị trường BĐS. Tuy nhiên, từng chủ thể tham gia thị trường vẫn có cách để hạn chế xu hướng này.

Vì với nguồn cung khá dồi dào như hiện nay, người mua nhà có “quyền năng” rất lớn là có thể chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín và có chính sách hỗ trợ tốt, chọn những sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình...Nên theo tôi, người tiêu dùng thông minh sẽ không chạy theo đám đông, lao vào những sản phẩm được cho rằng đang “hot” để không rơi vào bẫy “chiêu trò” của chủ đầu tư.

Với các chủ đầu tư bất động sản, cần xác định rõ khách hàng kỳ vọng là ai, đó là những người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự thay vì bị cuốn theo những nhà đầu tư lớn.

Như tôi đã nói ở trên, sự tham gia của những nhà đầu tư lớn là cần thiết và tích cực, nhưng nếu các nhà phát triển dự án không tỉnh táo, ảo tưởng vào đối tượng này có thể sẽ bị vạ lây. Bởi nếu giá BĐS không diễn biến theo chiều hướng tăng như kỳ vọng, những nhà đầu tư mua sỉ không có thực lực tài chính sẽ gặp khó khăn, tiến độ của dự án cũng bị ảnh hưởng.

Bản thân các nhà đầu tư lớn cũng sẽ phải thận trọng, bởi các bài học trong quá khứ cho thấy không phải hoạt động đầu cơ lúc nào cũng chỉ có thắng, không ít nhà đầu cơ đã bị “sa lầy”, chấp nhận bán lỗ sản phẩm để thu hồi vốn.

 Những “thăng trầm” của thị trường BĐS trong quá khứ cho thấy thị trường này chịu ảnh hưởng rất lớn từ những chính sách liên quan. Theo ông, trong thời gian tới, Nhà nước cần làm gì để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn?

Sự hồi phục của thị trường BĐS trước hết sẽ tác động tích cực đến hàng loạt lĩnh vực liên quan, từ vật liệu xây dựng đến trang trí, giải quyết công ăn việc làm, thậm chí cả đầu ra của vốn tín dụng...Nhiều doanh nghiệp từng khẳng định có không dưới 200 lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản phẩm BĐS, nên cũng có thể kỳ vọng nhiều lĩnh vực khác sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới cùng với sự sôi động hơn của thị trường BĐS.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho thị trường BĐS, đặc biệt là gói 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển bền vững và lành mạnh hơn, theo tôi, các cơ quan liên quan cần có những công cụ giám sát tốt hơn đối với thị trường.

Chẳng hạn, các cơ quan liên quan phải xây dựng các công cụ tài chính để hạn chế hoạt động đầu cơ thổi giá, giám sát tốt hơn đường đi của dòng tiền mà khách hàng nộp cho chủ dự án, có biện pháp chế tài chủ đầu tư vi phạm những cam kết với khách hàng... 

Cùng với các biện pháp giám sát thị trường, Nhà nước cũng cần có cơ chế để tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định để hỗ trợ người mua nhà cũng như các nhà phát triển dự án.

Ngoài việc đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho thị trường BĐS ổn định, thay vì giật cục như những năm qua.

Chủ đầu tư phải dựa vào thực lực

Thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên ở một số phân khúc nhưng nếu không có định hướng sẽ lại rơi vào đổ vỡ như trong quá khứ.

Để tránh điều đó cần xây dựng một thị trường BĐS lành mạnh và chuyên nghiệp dựa vào những kinh nghiệm thực tiễn mấy năm qua của thị trường này. 

Cụ thể, thị trường đã và đang loại bỏ các nhà đầu tư làm ăn chụp giật, chỉ dựa vào việc huy động vốn của người mua nhà để làm dự án, thậm chí đem đi đầu tư ngoài ngành.

Đấy là một điều đáng ghi nhận vì thời gian qua việc để chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng qua hình thức góp vốn, bán nhà hình thành trong tương lai quá dễ dàng là nguyên nhân chính dẫn đến dự án BĐS phát triển bùng lên và nhanh chóng đổ vỡ.

Có chủ đầu tư chỉ bỏ vốn xin dự án, lập dự án, còn việc thi công hoàn toàn dựa vào tiền huy động của người dân dưới hình thức vốn góp.

Tiền đó được thực hiện vào dự án thì không sao, nhưng nếu chủ đầu tư ôm tiền của khách hàng đi làm chuyện khác, dẫn đến dự án chậm thi công, gây thiệt hại cho khách hàng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của thị trường nói chung.

Tóm lại, để tránh rủi ro cho người mua nhà, doanh nghiệp làm dự án phải dựa chủ yếu vào thực lực tài chính của mình và vốn vay ngân hàng chứ không đẩy hết rủi ro cho khách hàng.

Ông Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)