Mùa sầu riêng chín muộn miền Tây
Thông thường, mùa sầu riêng miền Tây bắt đầu vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 (âm lịch). Tùy năm, có khi bắt đầu muộn hơn vài nơi khác như miền Đông, Tây Nguyên. Có năm sầu riêng có trái sớm hơn, thậm chí nhà vườn “bắt” sầu riêng ra trái vào dịp Tết Nguyên đán để bán giá cao, song cây dễ bị mất sức và ngay mùa chính không đủ sức ra trái, thậm chí cây bị chết “tức tưởi”.
Nếu có dịp đặt chân đến miền Tây, bạn có thể ghé Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng để thưởng thức hương vị sầu riêng - đặc sản vùng sông nước. Những vùng đất này là cái nôi của cây sầu riêng.
Có cây sầu riêng trồng cách nay trên 100 năm, khoảng 2 người ôm. Cây trái quanh năm trĩu cành. Nào là cam, quýt, sầu riêng, măng cụt, nhãn, chôm chôm, dâu, mít, xoài, mãng cầu… Mùa nào đặt chân đến vùng đất này bạn cũng có thể thưởng thức được hương vị ngọt ngào của những quả chín mọng.
Mùa hè là mùa của trái cây sầu riêng, măng cụt. Sầu riêng trổ bông hồi trước tết và 4, 5 tháng sau mới bắt đầu chín. Quả sầu riêng gai nhọn hoắt, đung đưa trước gió hòa vào tiếng ve ra rả.
Sầu riêng có nhiều loại: cơm màu trắng, cơm màu vàng, vỏ màu xanh, vỏ vàng. Nhiều giống sầu riêng mới như Ri6, khổ qua... cho năng suất cao, cơm dày hạt lép... được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng sầu riêng vỏ xanh và cơm trắng là ngon hơn cơm vàng, vì là hàng hiếm.
Sầu riêng chín thường rụng vào ban đêm và tỏa hương ngào ngạt. Nếu có lần qua vườn sầu riêng bạn sẽ ngạc nhiên, vì hương thơm bay tỏa khắp nơi. Nhưng nếu bạn chú ý một chút thì sẽ thấy trái sầu riêng rụng nằm ngay dưới gốc cây.
Sầu riêng rụng khoảng 2 - 3 ngày là ăn ngon nhất, vì quá 3 ngày sầu riêng bị nứt ra, mùi thơm vẫn còn nhưng nhạt hơn, nên ăn vào có vị lạt lạt của hơi gió. Sầu riêng miền Tây có vị ngọt và thơm đậm hơn sầu riêng của miền Đông. Nếu không “chuyên” bạn có thể lầm giữa sầu riêng chín cây và sầu riêng dú ép. Vì sầu riêng dú ép khi chín ăn lạt và mùi thơm cũng nhạt hơn. Dân nhà vườn chỉ cần nhìn gai hoặc trái là phân biệt ngay.
Sầu riêng tùy từng loại mà có trọng lượng khác nhau. Có khi có trái khoảng 1kg nhưng trung bình khoảng 1,8 - 2kg. Lắm lúc có khi 3 - 5kg. Vườn nhà tôi có duy nhất một cây có trái trung bình từ 5 - 7kg, cá biệt có trái trên 10kg nhưng trái không nhiều lắm, bán ngoài chợ không nhiều người dám mua, vì 1 trái có khi lên đến gần 1 triệu đồng.
Đi dưới vườn sầu riêng, sợ nhất là bị sầu riêng rụng trúng đầu. Nhưng bạn an tâm nếu có khách tham quan, chúng tôi có nón bảo hộ đội đầu, còn dân nhà vườn thì sầu riêng “kiêng lắm”. Cả trăm năm nay có ai bị sầu riêng rụng trúng đầu đâu.
Dân nhà vườn biết cách “né” khi trái rụng, cũng đơn giản. Ở vườn, tôi phải cất thêm cái chòi canh chừng. Ban đêm vào đó ngủ để tiện lượm sầu riêng rụng, vì sầu riêng thường rụng vào ban đêm. Còn bây giờ, thương lái vào vườn mua khi trái còn sống nên vấn đề cất chòi giữ chỉ còn trong ký ức mà thôi. Do vậy, trái bán ngoài chợ không thể so sánh chất lượng với trái rụng khi chín cây.
Có gì thú vị cho bằng khi sầu riêng vừa rụng xuống, nhặt vào chòi khui ăn liền tại chỗ, cơm còn hơi cưng cứng và giòn. Nhưng ngon hơn là trái sầu riêng rụng được khoảng 1 - 2 đêm thì thật tuyệt cú mèo, béo ngậy không chê vào đâu được.
Nhấm nháp cơm sầu riêng với hớp thêm vài ngụm trà, từ từ, chép chép miệng cho cơm sầu riêng tan chảy trong miệng, hít hà vài cái mới thấy thế nào vị ngọt, vị béo của nó. Còn hột sầu riêng sau khi rửa sạch có thể đem vào nấu hoặc nướng thì ăn bùi và nhơn nhớt, vị không kém gì hột mít luộc.
Ăn xong sầu riêng bạn còn luyến tiếc không muốn rửa tay liền vì hương vị của nó thơm mãi, ngay cả trong giấc ngủ vẫn còn thoang thoảng mùi thơm…