Sóc Trăng chuyển đổi cây trồng kinh tế thấp sang cây sầu riêng
Sầu riêng là một trong những trái cây có giá trị kinh tế cao, đây là trái cây được nhiều người ưa thích. Để nâng cao giá trị trái sầu riêng phục vụ thị trường xuất khẩu cũng như các cửa hàng, siêu thị trong nước, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện giải pháp phát triển diện tích trồng sầu riêng, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu chung của việc phát triển cây sầu riêng là liên kết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, đặc biệt hướng đến nâng cao thu nhập cho nhà vườn, nâng dần diện tích về đa dạng chủng loại trái cây đặc sản của tỉnh, phục vụ thị trường.
So với cùng kỳ năm trước, năm nay nhiều nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) rất phấn khởi, bởi sầu riêng được giá. Bắt đầu từ đầu vụ, sầu riêng được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 53.000 - 80.000 đồng/kg, tùy kích cỡ trái và giá sầu riêng vẫn giữ ở mức ổn định trong suốt mùa vụ cho đến hiện tại.
Một trong những lý do giá sầu riêng vẫn luôn giữ ở mức cao: thị trường, nhu cầu cung cầu, chất lượng trái ngon, ổn định nhờ sản xuất theo đúng quy trình VietGAP. Thấy được tiềm năng lớn, thông qua việc sản xuất sầu riêng, nhiều nhà vườn tại xã Ba Trinh (Kế Sách) đã chuyển đổi vườn cam già cỗi sang trồng sầu riêng, bước đầu đã đem lại nguồn thu đáng kể tại hộ.
Đến tham quan vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Ngọc, Ấp 5B, xã Ba Trinh (Kế Sách), anh tâm tình: “Qua 10 năm gắn bó cây cam đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình. Nhưng vài năm trở lại đây, giá cam liên tục sụt giảm, cùng với đó cây cam bắt đầu lão hóa, năng suất xuống thấp nên thu nhập giảm. Để tìm giống cây đặc sản thay thế cây cam, tôi nhận thấy sầu riêng là cây trồng phù hợp nhất tại vùng đất này, bởi xã Xuân Hòa kế cận mấy mươi năm qua trồng sầu riêng chất lượng trái rất ngon, rất được khách hàng ưa chuộng, nhất là sầu riêng tiêu thụ tốt trên thị trường. Do đó, tôi trồng xen canh những cây sầu riêng vào vườn cam, đợi lúc sầu riêng lớn đốn bỏ dần cam. Sau 6 năm chăm sóc, sầu riêng cho thu hoạch lứa trái đầu tiên, sản lượng 3 tấn/ha, giá bán 55.000 - 60.000 đồng/kg. Tôi thấy việc chuyển đổi cây cam sang cây sầu riêng là hướng đi đúng, bởi cây sầu riêng rất có tiềm năng, nhất là về lợi nhuận".
Hiện Tổ Nghề nghiệp chăm sóc vườn sầu riêng có 11 thành viên, diện tích 26,5ha, sản lượng năm nay thu hơn 32 tấn. Dự kiến sang năm sản lượng tăng từ 70 - 100 tấn. So với cây cam thì thu nhập từ cây sầu riêng tốt hơn. Vì vậy, tổ mong muốn ngành chuyên môn hỗ trợ phát triển lên thành hợp tác xã (HTX) trồng sầu riêng để sản xuất sầu riêng số lượng lớn nhằm liên kết doanh nghiệp xuất khẩu...
Ông Nguyễn Văn Câu, Ấp 5B, xã Ba Trinh (Kế Sách) chia sẻ: “Tôi trồng xen canh sầu riêng trong vườn cam nhiều năm qua, với diện tích là 2ha. Khi sầu riêng lớn tôi đốn bỏ cam để sầu riêng phát triển tốt hơn. Vụ sầu riêng vừa thu hoạch xong được 20 tấn, giá bán 53.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Để đầu ra sầu riêng ổn định, tôi mong có HTX sầu riêng để sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết doanh nghiệp phục vụ thị trường trong và ngoài nước…”.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước cho biết: “Diện tích trồng sầu riêng của tỉnh trên 900ha, tốc độ tăng trưởng cao, phát triển 20 - 30%/năm. So với các loại cây khác thì sầu riêng có lợi thế phát triển tốt, đặc biệt tại huyện kế Sách. Do đó, để cây sầu riêng phát triển tốt, đơn vị sẽ tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn cho nhà vườn trồng sầu riêng theo hướng VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ, đây là vấn đề tiên quyết trong sản xuất sầu riêng của tỉnh".
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn sử dụng những loại phân bón theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng trái khi xuất khẩu sang các thị trường. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sầu riêng dài hạn. Để sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà vườn bền chặt, đôi bên cùng bắt tay thực hiện tốt quy trình sản xuất, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, thời gian qua về hoạt động chuyên ngành, ngành Nông nghiệp tỉnh nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị liên quan, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác đào tạo, tập huấn, trao giấy chứng nhận an toàn cho vùng trồng sầu riêng tại xã Xuân Hòa (Kế Sách).
"Tới đây, ngoài HTX Sầu riêng Xuân Hòa, đơn vị sẽ thành lập HTX trồng sầu riêng tại xã Ba Trinh và thêm HTX sầu riêng tại xã Xuân Hòa, nhằm thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp và cấp mã số vùng trồng tốt hơn" - đồng chí Nguyễn Thành Phước cho biết thêm.