Mua xe công vượt tiêu chuẩn phải được ngăn chặn ngay từ đầu

Theo Thời báo Tài chính

Đó là nhận định của ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về thực trạng sử dụng xe công hiện nay. Theo ông Cường, các hiện tượng sai phạm trong việc quản lý xe công như báo chí đã nêu trong một thời gian dài không phải là không có nhưng thời gian gần đây những hiện tượng sai phạm này đã giảm rõ rệt...

Trong thời gian vừa qua dư luận có phản ánh nhiều đến các sai phạm trong việc quản lý xe công tại nhiều cơ quan Nhà nước. Việc này Cục Quản lý công sản có biết?

Ông Phạm Đình Cường: Việc các cơ quan, các đơn vị quản lý xe công để xảy ra sai phạm là có. Thứ nhất là sử dụng xe sai tiêu chuẩn, thứ hai là mua xe vượt quá mức giá cho phép và thứ ba là sử dụng xe công không đúng việc công. Nhưng theo tôi, thời gian gần đây các hiện tượng sai phạm này đã giảm rõ rệt. Khi các cơ quan, đơn vị mua xe phải rút tiền từ ngân sách, mà tiền của ngân sách lại đi qua Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi, cho nên ngay từ khâu đầu này đã giảm đi được rất nhiều sai phạm.

Ví dụ theo quy định, chức vụ Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy được đi xe với mức giá 800 triệu đồng, Chủ tịch tỉnh được đi xe có mức giá 700 triệu đồng nên khi đưa ra Kho Bạc để thanh toán, với việc kiểm soát chi theo Luật NSNN, kho bạc sẽ gác lại những trường hợp không đúng quy định. Vì vậy, có thể nói, hầu hết việc mua xe công vượt tiêu chuẩn đã bị chặn lại.

Việc sai phạm về sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sai phạm này cũng do yếu tố khách quan đó là Quyết định số 59/2007-TTg (QĐ59) ra đời từ năm 2007 nhưng hệ thống xe công của Nhà nước đã hình thành từ nhiều nguồn và nhiều chiếc xe công đã được mua trước thời điểm có Quyết định này hoặc cũng có nhiều chiếc xe của dự án chuyển qua sử dụng.

Những sai phạm sử dụng xe công sai mục đích như sử dụng xe công đi đưa đón việc riêng, đi lễ chùa hay sử dụng xe cứu thương để đi hội họp như báo chí đã đưa được cho là sai phạm trầm trọng nhất. Tuy nhiên, từ khi báo chí đưa tin cũng như sự vào cuộc của các cơ quan giám sát như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, của cơ quan kiểm toán thì việc muốn sử dụng xe sai mục đích cũng rất khó. Mức độ giảm của sai phạm này theo tôi là nhờ vai trò phát hiện của báo chí, và đặc biệt là sự phát hiện của người dân. Vì thế, hiện tượng sai phạm này thời gian qua cũng đã giảm nhiều.

Vậy căn cứ theo quy định của Nhà nước, trường hợp mua xe công vượt tiêu chuẩn quy định sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Trong QĐ59 cũng như Luật NSNN, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành  tiết kiệm chống lãng phí đều có 1 nguyên tắc: ai làm thiệt hại của công đều phải bồi thường, kể cả về xe, về mua sắm tài sản. Nhưng chủ yếu theo tôi là phải ngăn chặn ngay từ đầu còn khi đã mua rồi thì việc xử lý cũng rất khó. Ví dụ đã có trường hợp người ta mua xe vượt tiêu chuẩn mấy chục triệu đồng và chiếc xe đó đã được sử dụng rồi nên nếu thu hồi lại để xử lý cũng gặp không ít rắc rối. Chẳng hạn chiếc xe trong tiêu chuẩn là 800 triệu đồng nhưng người ta lại mua xe 830 triệu đồng, vượt tiêu chuẩn 30 triệu đồng.

Nếu lúc này thu hồi lại chiếc xe để bán thì sẽ gặp phải cảnh “mua vải bán áo”, bởi chiếc xe đó sẽ không thể bán được với giá 830 triệu đồng như lúc đầu, sau đó NSNN lại phải bỏ ra 800 triệu đồng để cho đơn vị đó mua xe khác. Nếu xét về mặt kinh tế thì bài toán này không có giá trị thậm chí còn làm cho NSNN bị thâm hụt. Nhưng những người làm công tác quản lý tài sản công cho rằng vẫn phải xử lý những trường hợp này để làm gương. Tuy nhiên, trên thực tế những trường hợp này cũng hiếm khi xảy ra.

Vậy như trường hợp cụ thể siêu xe bạc tỷ Bently được Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây đứng tên đã nêu trên  báo gần đây có sai phạm hay không và nếu có thì sẽ được xử lý thế nào?

 Hiện nay theo tôi được biết đang có 2 cơ quan chức năng kiểm tra vấn đề này, một là cơ quan chủ quản tại Bộ Công thương kiểm tra vì Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây vẫn là công ty chủ yếu vốn Nhà nước (51%) và về phía cơ quan công an cũng sẽ xem lại việc cấp biển số xanh cho chiếc xe này. Tôi sẽ chờ thông tin chính thức nhưng tôi tin các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý thỏa đáng.

Thực tế thời gian qua sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý xe công vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Phải chăng những sai phạm này xuất phát từ cơ chế xử phạt chưa nghiêm hay những quy định liên quan đến xe công chưa được chặt chẽ? Hay nói một cách khác liệu có phải do luật còn lỏng lẻo nên mới dẫn đến những sai phạm này? Ông có đánh giá gì về nhận xét này?

Là những người giúp việc cho Bộ trưởng Tài chính, thiết kế việc quản lý Nhà nước nên Cục Quản lý Công sản chủ yếu làm về chính sách. Theo Luật Quản lý tài sản   Nhà nước thì những người được giao tài sản là những người chịu trách nhiệm chứ không phải Cục Quản lý Công sản. Nhưng theo tôi, việc mà Cục Quản lý công sản cần làm ngay lúc này là xem xét lại chính sách đó có gì bất cập so với thực tiễn, bởi khi chính sách được thực thi mà có nhiều người sai phạm thì chính sách đó đã ẩn chứa những bất ổn rồi. Thực tế hiện nay chúng tôi đã phát hiện QĐ 59 cũng có nhiều điểm chưa phù hợp.
 
Điểm chưa phù hợp này là gì, thưa ông?

Ông Phạm Đình Cường:  Thứ nhất, trong QĐ 59 có quy định không cho thay thế xe. Thứ hai là về giá mua xe, ở thời điểm ra QĐ59 tỷ giá đô la khác, các chính sách thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ cũng khác cho nên tại thời điểm đó quy định xe mức giá 800 triệu đồng là mua được nhưng ở thời điểm hiện tại thì mức giá này không còn phù hợp nữa. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã  trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mức giá mua xe vì thế sẽ có thay đổi về việc cho thay thế xe, nâng mức giá mua xe cũng như nới rộng các quyền của các Bộ trưởng, các  cán bộ lãnh đạo đứng đầu tỉnh, thành phố.

Ví dụ giá mua xe được Thủ tướng Chính phủ quy định nhưng trong thẩm quyền của mình, các vị lãnh đạo này có thể tự điều chỉnh mức giá lên 5%. Hay việc nới rộng quyền tự chủ của các đơn vị để giảm bớt các thủ tục với Bộ Tài chính bởi theo QĐ 59, các đơn vị khi mua xe phải thỏa thuận định mức, giá xe với Bộ Tài chính nhưng trong lần sửa đổi này, đối với các loại xe chuyên dùng, chúng tôi chủ động đề xuấtt với Thủ tướng Chính phủ việc các đơn vị không cần phải thỏa thuận với Bộ Tài chính nữa mà cứ chủ động quyết định.

Như ông vừa nói, Cục Quản lý công sản chủ yếu giúp việc cho Bộ Tài chính và Chính phủ về chính sách quản lý xe công. Vậy với những quy định như hiện nay, theo ông, chúng ta nên bổ sung những gì để có thể quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn?

Theo tôi, những người làm chính sách phải thường xuyên cập nhật những biến động của thực tế, giá xe lên thì phải cho điều chỉnh lên, hay nhu cầu thay thế xe của các đơn vị là chính đáng thì phải cho họ thay thế. Tiếp đến là phải nắm vững thực trạng. Hiện nay Cục Quản lý công sản đang xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản và chúng tôi sẽ công bố công khai nhưng tôi có thể nói chắc chắn rằng riêng về mặt ô tô công chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết đến từng biển số xe của các bộ, các địa phương, các đơn vị trong cơ sở dữ liệu. Tức là với bao nhiêu xe sẽ có bằng  ấy dữ liệu về sản xuất năm nào, nguyên giá bao nhiêu, giá trị còn lại là bao nhiêu và đơn vị nào đang sử dụng.

Xin cảm ơn ông!