Biến động nguồn cung và nhu cầu gạo trên toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng lúa gạo tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023/24 thêm hơn 100.000 tấn lên mức kỷ lục 515,5 triệu tấn. Dự báo sản lượng tăng ở Bangladesh và Philippines nhiều hơn mức giảm ở Brazil, Liên minh châu Âu (EU), Indonesia và Nhật Bản.
Theo đó, nguồn cung gạo toàn cầu niên khóa 2023/24 tăng thêm 900.000 tấn lên 693,5 triệu tấn, nhưng giảm 4,1 triệu tấn so năm trước và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.
USDA cũng đã hạ dự báo về lượng tiêu thụ nội địa và dư thừa trên toàn cầu năm 2023/24 thêm 1,5 triệu tấn xuống còn 521,3 triệu tấn, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn mức điều chỉnh giảm này.
Báo cáo cũng nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu niên khóa 2023/24 vào năm 2024 thêm 100.000 tấn, lên 53,45 triệu tấn. Trong tháng này, có sự điều chỉnh tăng xuất khẩu của Myanmar, Campuchia, Mỹ và Việt Nam, điều chỉnh này đã bù đắp cho dự báo xuất khẩu giảm của các nước: Argentina, Brazil, Trung Quốc và Nhật Bản.
Về mặt nhập khẩu năm 2024, USDA đã nâng dự báo đối với Azerbaijan, Brazil, Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Ethiopia, Libya, Jordan, Somalia và Việt Nam, đồng thời hạ dự báo đối với Bangladesh, Trung Quốc và Venezuela.
Trong khi đó, sản lượng và nhu cầu từ các nước nhập khẩu cũng có sự thay đổi. Theo USDA, sản lượng gạo niên khóa 2023/24 của Indonesia dự báo đạt 33 triệu tấn (xay xát), giảm 1% so tháng trước và giảm 3% so năm ngoái. Diện tích thu hoạch dự báo đạt 11 triệu hecta, giảm 3% so tháng trước và năm ngoái. Sản lượng lúa của Indonesia giảm khoảng 17% so cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2024. Sự suy giảm này là do sản lượng thấp hơn trong bối cảnh thời tiết El Nino.
Sản lượng lúa của Philippines trong ba tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 4,82 triệu tấn, tăng khoảng 0,8% so cùng kỳ.
Đối với thị trường EU, trong bảng cân đối gạo mới nhất, USDA dự báo sản lượng gạo xay xát niên khóa 2024/25 (tháng 9/2024 đến tháng 8/2025) của EU đạt 1,4 triệu tấn, tăng nhẹ so 1,38 triệu tấn trong niên khóa trước. Dự báo này tăng so ước tính 1,287 triệu tấn của dự báo trước đó. Dự báo mức tiêu thụ gạo niên khóa 2023/24 của EU là 3,2 triệu tấn, tăng nhẹ so mức ước tính 3,195 triệu tấn trong niên khóa 2022/23 do lạm phát lương thực giảm.
Dự báo nhập khẩu gạo niên khóa 2023/24 của EU ở mức 2,145 triệu tấn, giảm nhẹ so mức ước tính 2,15 triệu tấn trong niên khóa 2022/23. Dự báo này giảm nhẹ so mức 2,3 triệu tấn trước đó.
Dự báo xuất khẩu gạo niên khóa 2023/24 của EU đạt 360.000 tấn, giảm nhẹ so ước tính 365.000 tấn trong niên khóa 2022/23 do chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn vì căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Hầu hết gạo xuất khẩu của EU là xuất sang Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Hàn Quốc, Tập đoàn Thương mại Thực phẩm và Nông ngư nghiệp do Nhà nước hậu thuẫn (KAFTC) đã công bố mở phiên đấu thầu quốc tế mua khoảng 117.105 tấn gạo từ Mỹ, Úc, Thái Lan và Việt Nam. KAFTC dự kiến mua 64.781 tấn gạo tẻ từ Mỹ; 17.328 tấn gạo lứt hạt vừa từ Australia; 18.305 tấn gạo tẻ từ Thái Lan và 16.691 tấn gạo tẻ từ Việt Nam. Các lô hàng dự kiến sẽ đến Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2024 đến ngày 28/2/2025.
Việt Nam hiện vẫn đang đẩy mạnh sản xuất lúa để ổn định nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tính đến ngày 18/4/2024, theo số liệu của Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,498 triệu hecta/1,5 triệu hecta diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 1,375 triệu hecta và sản lượng đạt khoảng 9,9 triệu tấn lúa.