Mục tiêu cao, quyết tâm lớn

PV.

(Tài chính) Một năm mới đầy sung lực đang mở ra với kỳ vọng tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa đối với ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Mục tiêu cao, quyết tâm lớn là kế hoạch hành động đã được Ban lãnh đạo Vietcombank xác định trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng trưởng cao
Một năm ghi nhận nhiều chuyển biến mạnh mẽ của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam đã khép lại với thành công vượt bậc trên các lĩnh vực. Với phương châm “Nhạy bén – Quyết liệt – Kết nối”, đại gia đình Vietcombank đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, bám sát định hướng, điều hành của Ngân hàng Nhà nước để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra.

Đến hết năm 2014, tổng nguồn vốn huy động của Vietcombank tăng trưởng 25,9% so với cuối năm trước, đạt gần 420 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng nguồn vốn không kỳ hạn đạt gần 26%. Tổng tài sản đến ngày 31/12/2014 đạt 573.988 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch cả năm 2014.

Điểm mới trong tăng trưởng tín dụng của Vietcombank là ngay từ những tháng đầu năm chứ không chỉ tập trung vào những tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 17,8%, tương ứng 324 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 104% kế hoạch năm. Cùng với đó, hoạt động nghiệp vụ bán lẻ được chú trọng và tăng trưởng cao. Huy động vốn thể nhân tăng 26% so với năm 2013, đạt 109% kế hoạch năm 2014. Dư nợ thể nhân tăng 38,8%. Dư nợ SMEs tăng 15%, Internet Banking: tăng trưởng 24%,; SMS Banking: tăng trưởng 31%,; Mobile Banking: tăng trưởng 70%. Doanh số thanh toán thẻ quốc tế và thẻ nội địa của Vietcombank tăng trưởng lần lượt là 19% và 49% so với năm trước. Chỉ tiêu số lượng phát hành và doanh số sử dụng thẻ tín dụng của Vietcombank tăng trưởng 21% và 19% so với năm 2013. Đến hết năm 2014, toàn hệ thống Vietcombank đã phát triển được thêm 10.117 đơn vị chi nhánh thẻ, tăng trưởng 29% so với năm 2013, dịch vụ thẻ của Vietcombank vẫn tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thị trường.

Với các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản trên đã mang lại kết quả tài chính hết sức ấn tượng. Lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank tăng 12,4% so với năm trước, tạo nguồn trích lập dự phòng rủi ro tăng 30% so với năm trước nhưng Vietcombank vẫn đảm bảo lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 5.680 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch đề ra.

Trong năm 2014, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của Vietcombank đạt 48,14 tỷ USD, tăng 15,79% so với năm trước, đạt 16,32% thị phần thanh toán xuất nhập khẩu cả nước. Thị phần thanh toán xuất nhập khẩu đạt 16,32%, tăng 0,7% so với thị phần năm 2013. Đây cũng là năm đầu tiên gia tăng thị phần thanh toán xuất nhập khẩu sau nhiều năm giảm sút do sự cạnh tranh của các ngân hàng khác. Năm 2014, doanh số mua bán ngoại tệ với khách hàng của Vietcombank đạt 28,9 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2013. Doanh số chuyển tiền kiều hối của Vietcombank tăng 5% so với năm 2013, đạt 100% kế hoạch 2014.

An toàn nợ xấu

Năm 2014 là năm kỷ lục thu hồi nợ xấu của Vietcombank. Con số cụ thể được báo cáo là 1.905 tỷ đồng nợ ngoại bảng đã được thu hồi, đạt 147% kế hoạch 2014, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013.

Về tình hình nợ xấu, dư nợ nhóm 2 tính đến hết 31/12/2014 của ngân hàng này là 19.230 tỷ đồng, giảm 3.531 tỷ đồng so với năm 2013 (giảm khoảng 15,5%). Tỷ lệ nợ nhóm 2 là 5,93%, giảm 2,34% so với năm 2013. Số dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2014 là 7.407 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,29%, giảm 0,4% so với tỷ lệ của năm 2013.

Trong năm 2014, Vietcombank tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng lớn, tổng lượng dự phòng đã gần bằng số dư nợ xấu. Cụ thể, lợi nhuận trước dự phòng năm 2014 đạt 10.233 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013. Chi phí dự phòng rủi ro được trích lập ở mức 4.553 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế theo đó đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013, đạt 107,17% kế hoạch.

Cùng với những kết quả trên, 2014 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn trong chuyển đổi bộ máy lãnh đạo cấp cao của Vietcombank đến các phòng/ban/trung tâm tại Hội sở chính được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân sự lãnh đạo tại các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng được bố trí luân chuyển, sắp xếp lại phù hợp, dựa trên năng lực, kinh nghiệm đã không ngừng thúc đẩy và gia tăng năng suất lao động tại mỗi đơn vị. Mạng lưới của Vietcombank được mở rộng với việc khai trương hoạt động thêm 10 chi nhánh mới và 17 phòng giao dịch, là ngân hàng thương mại có số lượng mở mới Chi nhánh, Phòng giao dịch lớn nhất trong năm 2014.

Nhiệm vụ mới

Vietcombank đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch dự kiến cho năm 2015: Tổng tài sản tăng 11,5%, tín dụng tăng trưởng 16%, huy động vốn tăng 12%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Vietcombank cũng đề ra phương châm của năm 2015 là “Tăng tốc - Hiệu quả - Bền vững”, quan điểm chỉ đạo điều hành là “Quyết liệt – Kết nối – Trách nhiệm”.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Quyết liệt hơn trong hành động

Sau thành công trong năm 2014, Vietcombank đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn, quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2015. Theo đó, tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ khách hàng, gia tăng thị phần, kiểm soát tốt chất lượng tài sản; đảm bảo an toàn hoạt động, duy trì tốc độ tăng trưởng các mặt hoạt động cao hơn 2014; đẩy mạnh triển khai các dự án nâng cao năng lực quản trị, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, Vietcombank sẽ tập trung xây dựng phương án mua bán, sáp nhập theo đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Phạm Quang Dũng
- Tổng giám đốc Vietcombank

Tiên phong trong nhiều lĩnh vực

Không chỉ thể hiện ở các con số tăng trưởng ấn tượng cụ thể trong các lĩnh vực hoạt động của mình, Vietcombank còn chủ động, thực tốt các nhiệm vụ chính trị khác. Điển hình là Vietcombank luôn tiên phong hạ và duy trì lãi suất huy động thấp nhất thị trường, tạo tiền đề hạ lãi suất cho vay; Góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; Đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống Vietcombank; Tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế thông qua cho vay các gói ưu đãi lãi suất, các lĩnh vực ưu tiên; Nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc tái cơ cấu, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp.


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015