Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2018 hoàn toàn khả thi

PV.

Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 9/1/2018, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi trong năm 2018.

Toàn cảnh Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018  do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 9/1/2018.
Toàn cảnh Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 9/1/2018.

Năm 2017: Lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao

Phát biểu tại Hội thảo, PGS., TS. Nguyễn Bá Minh (Học viện Tài chính) cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét, GDP tăng 6,81%, 13/13 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 – đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4%), góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

ThS. Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam nhận định, CPI năm 2017 thấp là điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Kết quả đó đạt được là nhờ chủ trương đúng đắn của Chính phủ cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về điều hòa cung – cầu, tài chính, tiền tệ và bình ổn giá.

Cùng chung nhận định với ông Nguyễn Tiến Thỏa, PGS., TS. Ngô Trí Long cho rằng, năm 2017 là năm thắng lợi kép khi vừa tăng trưởng cao vừa kiểm soát thành công lạm phát. Việc kiểm soát thành công lạm phát đã góp phần quan trọng tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo dư địa để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Đây là thành quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều thách thức, biến động.” – TS. Ngô Trí Long nói.

Công tác điều hành giá trong năm 2017 đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ, giữa các bộ, ngành và nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

CPI 4% năm 2018 là hợp lý và khả thi

Bàn về mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018, ThS. Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, với những thành công trong điều tiết giá năm 2017, mục tiêu kiểm soát CPI năm 2018 tăng 4% là khả thi. Tuy nhiên, để kiểm soát chỉ số giá thành công, cần triển khai đồng bộ các giải pháp điều tiết ngay từ đầu năm gắn với việc tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Thỏa, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là giải pháp “không bao giờ cũ” trong công tác điều tiết giá nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mọi tình huống, ở mọi vùng miền, mọi thời điểm. Trên cơ sở dự báo tốt nhu cầu của tưng loại hàng hóa và áp dụng các biện pháp điều hòa cung – cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dẫn đến “sốt giá”.

Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, mục tiêu CPI 4% trong năm 2018 là hợp lý và có thể đạt được. Theo ông, điều quan trọng là cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, kiểm soát quỹ hàng hóa nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt, kiểm soát hàng lậu, hàng giả.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Học viện Tài chính) nhận định, việc giữ ổn định lạm phát ở mức thấp như mục tiêu Quốc hội đề ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Dự báo cho năm 2018, ông Tuyến cho rằng, lạm phát có khả năng chỉ tăng khoảng 3-3,5%.