Muốn phục hồi kinh tế phải quan tâm nguồn nhân lực

Theo Hạnh Nhung/daibieunhandan.vn

Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm giải quyết.

Thị trường dần phục hồi

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho biết, thị trường lao động quý I đã dần phục hồi trở lại.

Thị trường lao động đang dần phục hồi.
Thị trường lao động đang dần phục hồi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 1,3 triệu người, giảm 135.200 người so với quý trước. 

So với quý IV/2021, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 đã giảm mạnh, từ 24,7 triệu người, xuống còn 16,9 triệu người (giảm 7,8 triệu người). Ngược lại, số người gia nhập lực lượng lao động tăng thêm 500.000 người; lao động có việc làm tăng gần 1 triệu người. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đã dần được cải thiện, đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000  đồng so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trần Thị Lan Anh cho rằng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp hỗ trợ người lao động đã phát huy tác dụng, làm cho thị trường lao động những tháng đầu năm có nhiều sự khởi sắc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều thách thức khi chất lượng nguồn lao động vẫn chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp, thiếu kỹ năng mềm. Bên cạnh đó là khả năng thích ứng của người lao động với các phương thức, mô hình làm việc mới. Việc chưa thể làm quen đã khiến người lao động khó bắt kịp tốc độ đổi mới của doanh nghiệp, làm chậm quá trình phục hồi. Dịch bệnh tác động đến tâm sinh lý của người lao động cũng làm giảm năng suất và làm kém đi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Quan tâm đào tạo lao động

Thời điểm này, phần lớn người lao động quan tâm đến các chính sách tại nơi làm việc. Bên cạnh mức lương, các chính sách bảo đảm an toàn trên cơ sở thấu hiểu điều kiện và hoàn cảnh của người lao động cũng rất quan trọng.

Là ngành thâm dụng lao động, đơn hàng đang dồi dào, ngành dệt may nỗ lực bảo đảm nguồn lao động. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 cho biết, công ty đã thực hiện mô hình hệ sinh thái có đầy đủ trường mầm non, có trạm y tế, trường dạy nghề... để tạo môi trường tốt nhất cho lao động. Nếu  doanh nghiệp muốn đi đường dài, bền vững cần phát triển mô hình như vậy. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên đối thoại với công nhân để giải quyết khó khăn, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động. Ngoài ra, ông Việt nhấn mạnh đến văn hóa chia sẻ, bởi trong kinh doanh không chỉ nói đến doanh thu mà còn phải quan tâm đến thu nhập của công nhân.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, duy trì lao động ở lại với doanh nghiệp vẫn là bài toán cực kỳ khó khăn. Dịch bệnh đòi hỏi doanh nghiệp phải có các biện pháp nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực đặt ra phải cao hơn. Doanh nghiệp và người lao động cần ngồi lại để có tiếng nói chung và chia sẻ để mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai bên.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, trong bối cảnh mới, một số ngành nghề khả năng thiếu hụt lao động, để giữ chân lao động cần có kế hoạch dài hơi. Điểm nghẽn lớn nhất bây giờ là chất lượng nguồn lao động.

Vì vậy, phải quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, đồng thời cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng. Hệ thống trung tâm đào tạo việc làm phải có những cải cách tốt, tăng nhu cầu kết nối việc làm trên diện rộng hơn để người lao động có thể nắm bắt.

Về phía doanh nghiệp phải tạo được môi trường làm việc tốt như an toàn việc làm, nâng mức tiền lương, thực hiện nghĩa vụ an sinh xã hội. Cùng với đó phải tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và phối hợp với người lao động để tổ chức đào tạo lại.