Mỹ áp thuế nhôm, thép lên EU, Canada và Mexico: Không có ngoại lệ
Việc Mỹ tuyên bố áp đặt các mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, đã khiến những đồng minh thân thiết nhất của Washington giận giữ. Quyết định này không chỉ gây căng thẳng thương mại trong khu vực Bắc Mỹ và bên kia bờ Đại Tây Dương, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự thương mại toàn cầu.
Trả đũa thương mại
Tuyên bố của Mỹ đã chính thức chấm dứt thời hạn miễn trừ áp thuế nhôm, thép nhập khẩu kéo dài 2 tháng qua đối với các đồng minh của Mỹ là EU, Canada và Mexico.
Đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính về việc tăng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, với lý do an ninh quốc gia và bảo vệ các nhà sản xuất nhôm, thép trong nước trước sự cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài.
Ngay lập tức, quyết định của Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và tuyên bố trả đũa từ các đồng minh. Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ, tuyên bố sẽ đáp trả bằng việc áp thuế lên đến 16,6 tỷ USD trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, gồm các mặt hàng như rượu whiskey, nước cam ép, thép, nhôm và các sản phẩm khác.
Mexico cũng tuyên bố đáp trả tương xứng, với thuế quan được áp lên một loạt sản phẩm nông sản và công nghiệp của Mỹ. Bộ Kinh tế Mexico cho biết, biện pháp này sẽ được duy trì cho tới khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ thuế áp lên sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu từ Mexico. Về phần mình, EU cảnh báo sẽ đánh thuế mạnh tay đối với xe motor Harley Davidson, máy giặt, sản phẩm may mặc, rượu whiskey… của Mỹ.
Không chỉ bất bình trước chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, EU, Canada và Mexico còn “tự ái” khi bị Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng, đây là sự xúc phạm và không thể chấp nhận.
Áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm, thép là một phần trong hàng loạt chính sách thuế của Tổng thống Trump, nhằm bảo vệ nền công nghiệp và việc làm cho người dân Mỹ.
Đây cũng là một phần trong chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố, sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD nhằm “đòi lại công bằng” cho nước Mỹ.
Tổn hại niềm tin
Theo các nhà phân tích, thế giới đang tiến gần tới nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện hơn bao giờ hết, kế từ những năm 1930, khi Đạo luật thuế Smoot-Hawley của Mỹ gây ra hiệu ứng domino giữa những nước công nghiệp hóa khác.
Nhiều biện pháp bảo hộ được đưa ra kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song phần lớn ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại hiện nay được đánh giá trầm trọng hơn nhiều, do liên quan tới ba nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ, Trung Quốc và EU.
Về ngắn hạn, bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất nhôm, thép Mỹ có thể giúp người lao động trong khu vực này. Tuy nhiên, nếu Mỹ không thể sản xuất nhôm, thép với giá thành rẻ như các đối thủ nước ngoài thì chính các nhà sản xuất của Mỹ sẽ phải đối mặt với khó khăn do giá thành tăng cao.
Kết quả nghiên cứu của Quartz chỉ ra rằng, các chính sách thuế của ông Trump có thể dẫn tới mất 146.000 việc làm ở Mỹ.
Các chuyên gia cảnh báo, việc chính quyền Trump lấy lý do “an ninh quốc gia” để áp thuế có thể gây phương hại tới trật tự thương mại quốc tế, trong bối cảnh các nước khác có thể viện dẫn lý do này để dựng “hàng rào” thuế của riêng mình.
Hơn nữa, hành động này lại chủ yếu nhằm vào các đồng minh của Mỹ, thay vì mối quan ngại chính là Trung Quốc, do Mỹ hiện nhập khẩu rất ít nhôm, thép trực tiếp từ Trung Quốc.
Bày tỏ thất vọng trước quyết định của Mỹ áp đặt mức thuế trừng phạt các nước đồng minh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, hành động của Mỹ sẽ bóp méo, phá hủy và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ. Theo bà Lagarde, nếu tự do thương mại bị phá vỡ, những người sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là người có thu nhập thấp.
Một số chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ Trump đang dùng “chiêu bài” thuế nhôm, thép nhằm đạt được những điều khoản có lợi cho Mỹ trong các thoả thuận thương mại với Trung Quốc và EU; gây sức ép với Mexico và Canada trong quá trình đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn đang ở giai đoạn sắp hết hạn nhưng vẫn bế tắc.
Mặc dù không rõ kế sách này của ông Trump sẽ đi đến đâu, nhưng hệ quả nhãn tiền là hành động của Mỹ sẽ gây tổn hại niềm tin giữa các đối tác kinh doanh tại thời điểm tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại.