Khoảng lặng tạm thời
Mỹ và Trung Quốc đã thực sự có “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực đàm phán cam go nhằm hóa giải những bất đồng thương mại đang tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Giới chuyên gia nhận định đây không phải “khoảng lặng trước bão” do tình thế mà xuất phát từ lợi ích sâu sa của hai nước.
Hòa hoãn cần thiết
Khẳng định các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung vừa qua đạt kết quả tốt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 20/5 vui mừng thông báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai bên xem như đã được hóa giải.
Cũng theo quan chức này, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng xây dựng và thực thi khuôn khổ mới với việc soạn thảo một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn hướng đến giải quyết sự mất cân bằng thương mại trong tương lai.
Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại Washington cũng xác nhận hai bên đã đạt được sự đồng thuận, trong đó cam kết sẽ không lao vào một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng áp đặt thuế lẫn nhau.
Tuy nhiên, vị quan chức này lưu ý, việc phá vỡ tình trạng đóng băng hiện nay không thể hoàn thành chỉ trong một ngày, mà cần thời gian để giải quyết các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế và quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Lưu Hạc cho biết thêm: “Chúng tôi vừa xóa bỏ một số hiểu lầm trong quá khứ. Các cuộc đàm phán vừa qua sẽ không chỉ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương mà đồng thời xây dựng mối quan hệ tổng thể. Điều này tốt cho người dân cả hai nước, gửi tín hiệu tích cực đến toàn thế giới”.
Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi hai nước liên tục đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau liên quan đến mức thuế quan áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu. Diễn biến căng thẳng này làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại không chỉ gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, kết quả các vòng đàm phán cho thấy không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành cuộc chiến “một mất một còn”. Những cái đầu lạnh của hai nước đã cùng lựa chọn giải pháp cùng thắng, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay để tránh tổn hại lợi ích của mình.
Các nhà phân tích nhận định có lẽ Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật kéo dài đàm phán. Như vậy họ có thể có thêm thời gian, thể hiện thiện chí thảo luận về những quan ngại của Washington với hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ đem lại chính quyền “ôn hòa” hơn.
Về phần Mỹ, mối lợi từ thị trường Trung Quốc to lớn và quan trọng buộc Washington phải cân nhắc từng đường đi nước bước để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tốt hơn, thay vì cuộc chiến khó phân thắng bại mà cả hai bên đều tổn thất nặng nề.
Theo nhận định của Giáo sư khoa học chính trị Pierre Martin, Đại học Montréal, trên tờ Journal de Montréal, thái độ mềm dẻo của chủ nhân Nhà Trắng có thể do bối cảnh Mỹ cần Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên.
Thêm vào đó, Trung Quốc vừa thông báo đầu tư hơn 500 triệu USD vào một dự án phát triển du lịch và bất động sản ở Indonesia, nơi Trump Organization có nhiều lợi ích quan trọng. Rõ ràng dự án đầu tư này của Trung Quốc là một nguồn lợi tài chính đáng kể cho tập đoàn Trump.
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, năm 2017 thặng dư thương mại hàng hóa của nước này với Mỹ đã lên tới con số 275,8 tỷ USD, trong khi số liệu thống kê của Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đã tăng lên mức cao là 375,2 tỷ USD - chiếm khoảng một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ. Kinh tế Mỹ - Trung đã hội nhập sâu sắc, do đó, một cuộc chiến thương mại nếu xảy ra sẽ mang lại rủi ro lớn cho doanh nghiệp hai nước.
Chưa hết “sóng ngầm”
Tuy nhiên, không phải không có ý kiến hoài nghi. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ bề ngoài có dấu hiệu hòa hoãn, nhưng thực chất cuộc chiến ngầm vẫn chưa từng ngơi nghỉ.
Biểu hiện cụ thể là trong khi tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “dội gáo nước lạnh” vào thành công của đàm phán thương mại Trung - Mỹ khi ông phê phán các nước như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… do được “nuông chiều” trong vấn đề thương mại nên sinh “hư”, khiến nước Mỹ bị bóc lột nhiều năm qua và thề sẽ không để tình trạng này tái diễn.
Giới phân tích Trung Quốc nêu rõ, điều đáng nói là trước đó có tin Trung Quốc đã đưa ra phương án cụ thể với ông Donald Trump, bảo đảm mỗi năm cắt giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại của Trung Quốc trong trong trao đổi thương mại với Mỹ. Hiển nhiên, trong đó bao gồm cả biện pháp Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ và Công ty sản xuất máy bay Boeing của Mỹ sẽ được lợi.
Để hòa hoãn không chỉ là khoảng lặng tạm thời, cả hai nước đều phải tìm ra phương cách nhằm đạt được cân bằng thương mại. Washington hy vọng sẽ tối đa hóa lợi ích của Mỹ, trong khi Trung Quốc khẳng định rằng việc mở rộng hoạt động nhập khẩu của Mỹ phải đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế và xã hội trong nước.
Xuất phát từ quan điểm này, thỏa thuận được ký giữa hai bên đã tuân thủ nguyên tắc cùng thắng. Mỹ sẽ có cơ hội giảm thiểu thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ đạt được sự nhất quán trong việc mua hàng hóa của Mỹ để mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân Trung Quốc.
Washington đã cam kết phá bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, qua đó đa dạng hóa các kênh nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phía Mỹ cũng sẽ bán nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn cho Trung Quốc - điều này cũng tương đương với việc “xuất khẩu” công nghệ và sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc.