USD phục hồi khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu bớt
Mặc dù giảm nhẹ trở lại trong phiên giao dịch châu Á sáng nay (15/5), song hiện đồng USD vẫn cách xa mức thấp nhất kể từ ngày 2/5 thiết lập trong phiên hôm qua nhờ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao hơn khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng dịu bớt.
Theo đó, sau khi rơi xuống còn 92,243 điểm – thấp nhất kể từ ngày 2/5 vào đầu phiên giao dịch hôm qua, chỉ số đồng USD đã phục hồi khoảng 0,1% lên 92,638 điểm nhờ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng trở lại khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có chiều hướng dịu bớt sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump cam kết sẽ trợ giúp công ty viễn thông ZTE Corp của Trung Quốc, vốn đang bị phạt vì vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ với Iran.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ ổn định ở mức 2,999% trong phiên giao dịch châu Á sáng nay sau khi tăng 2 điểm cơ bản vào thứ Hai.
Chỉ số USD đã tăng lên cao nhất 4,5 tháng là 93,416 điểm vào tuần trước, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh, nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác đã gia tăng lợi thế cho đồng USD.
Tuy nhiên, việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tại Mỹ tăng thấp hơn dự kiến đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Fed có tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 hay không, cho dù một số nhà giao dịch vẫn lạc quan về triển vọng tăng lãi suất trong ngắn hạn.
Stephen Innes – trưởng bộ phận giao dịch châu Á-Thái Bình Dương của Oanda ở Singapore cho biết, ông vẫn cảm thấy thoái mái khi nắm giữ đồng USD do chênh lệch lãi suất vẫn có khả năng hỗ trợ cho đồng bạc xanh. “Điều duy nhất tôi thực sự có thể thấy ngay bây giờ là… sự khác biệt lãi suất”, Innes nói.
Innes cũng nói thêm rằng, ông có thể tiếp tục nắm giữ đồng đôla cho đến khi có một làn sóng dữ liệu kinh tế tích cực từ các quốc gia khác ngoài Mỹ, hoặc cho đến NHTW châu Âu (ECB) bắt đầu phát tín hiệu thực sự quyết liệt về việc thắt chặt thay vì chỉ là dự kiến.
Về diễn biến cụ thể của các cặp đồng tiền, sáng nay đồng USD tăng tiếp 0,05% so với đồng yên Nhật lên 109,72 JPY/USD. Theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh phải đối mặt với các ngưỡng kháng cự trên đồ thị kỹ thuật ở mức khoảng 110,00 JPY/USD, sau khi đã thiết lập mức cao nhất trong 3 tháng là 110,05 JPY/USD vào đầu tháng Năm.
Trong khi đồng euro tiếp tục nhích nhẹ lên 1,1933 USD. Đồng euro đã tăng mạnh khá mạnh trong phiên hôm qua sau khi nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau nói rằng ECB có thể đưa ra định hướng mới về thời điểm tăng lãi suất đầu tiên khi kết thúc các chương trình mua trái phiếu đặc biệt.
Đồng bảng Anh cũng tăng nhẹ lên 1,3562 USD; đôla Úc tăng lên mức 0,7529 USD; đôla Canada tăng lên 1,2976 CAD/USD. Trong khi đồng won Hàn Quốc lại giảm khá mạnh 0,5% xuống còn 1.073,49 KRW/USD.
Việc đồng euro hay yên nhật, chỉ cần một tín hiệu nhỏ về động thái thắt chặt của ECB hay BOJ, đã bật tăng mạnh khiến không ít nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng tăng giá bền vững của đồng USD trong năm nay, cho dù đồng bạc xanh đã có đợt tăng giá khá dài và mạnh trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân do hiện trọng tâm chú ý của thị trường không phải là động thái thắt chặt của Fed mà là của các NHTW lớn khác, đặc biệt là ECB và BOJ. Bên cạnh đó, nỗi lo ngày càng lớn về thâm hụt ngân sách của Mỹ, được dự đoán sẽ tăng hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019 do động thái cắt giảm thuế và tăng chi tiêu Chính phủ, đã che mờ triển vọng của đồng bạc xanh, bên cạnh những lo ngại về thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia này.
Đó là về dài hạn, còn trong ngắn hạn, hiện các nhà đầu tư đang tập trung vào các bài phát biểu của các quan chức Fed, cũng như các chỉ số kinh tế Mỹ như số liệu bán lẻ của Mỹ vào cuối ngày thứ Ba.