Mỹ - Nhật có thể sắp đối đầu thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng khi Nhật bán nhiều hàng cho Mỹ hơn là mua về, tạo ra khối thặng dư gần 70 tỷ USD năm ngoái.
Kim ngạch thương mại song phương của Mỹ và Nhật Bản vào khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Đây là mối quan hệ thiết yếu mà Tổng thống Mỹ - Donald Trump muốn cải tổ, trong khi Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe lại không mấy hào hứng.
Trong chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ tuần này, hai lãnh đạo được kỳ vọng nói về thương mại và các vấn đề hàng đầu khác, như Triều Tiên. Nhật hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ và là đồng minh quân sự chủ chốt của nước này tại châu Á. Tuy nhiên, ông Trump không mấy hài lòng về thương mại giữa hai bên. Ông từng miêu tả mối quan hệ này là “không công bằng” và “không cởi mở”.
Nhật bán nhiều hàng cho Mỹ hơn là mua về, tạo ra khối thặng dư gần 70 tỷ USD năm ngoái. Các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, đều trở thành mục tiêu công kích thường xuyên của ông Trump. Cuối tuần trước, ông cho biết Mỹ “đang tiến tới đạt thỏa thuận” với Nhật - quốc gia “đã khiến chúng ta thiệt thòi về thương mại suốt nhiều năm”.
Mỹ muốn đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Nhật, nhằm giúp các công ty nước này tiếp cận tốt hơn nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, chính phủ Nhật - vốn đã phật ý vì Mỹ rút khỏi TPP đầu năm ngoái - đã thể hiện rõ ràng mình không vội ký thỏa thuận với Washington.
“Khi hai quốc gia đàm phán, kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn”, Bộ trưởng Tài chính Nhật - Taro Aso tuần trước cho biết. Ông dự đoán một hiệp định thương mại song phương sẽ gây ra những tổn thất “không cần thiết” cho Nhật.
Giới chuyên gia cho rằng, Nhật cần bảo vệ các ngành quan trọng, như nông nghiệp, trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Theo quy định hiện tại, nông sản nhập khẩu vào Nhật phải chịu thuế khá cao.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump rút ra năm ngoái được cho là sẽ giúp giảm rào cản cho nông dân Mỹ. Dưới áp lực từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, cuối tuần trước, ông Trump đã đề nghị các cố vấn kinh tế cấp cao xem xét khả năng tái gia nhập TPP. Đây có thể là nỗ lực giúp Mỹ tăng sức ép ký hiệp định song phương lên Nhật Bản.
Dù vậy, sáng nay, ông bất ngờ thay đổi quan điểm khi viết trên Twitter rằng: “Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng ta quay trở lại TPP, tôi không thích hiệp định này dành cho nước Mỹ”.
Một cách khác, theo Marcel Thieliant - nhà kinh tế học tại Capital Economics, là Mỹ có thể sử dụng chiêu “đe dọa đánh thuế nhập khẩu” với Nhật. Theo đó, các hãng xe Nhật có thể khó xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ hơn. Dù vậy, việc này có thể không tạo ra nhiều khác biệt, do các hãng ôtô hàng đầu của Nhật đều có nhà máy lớn tại Mỹ.
Ngoài ra, không như các đồng minh khác của Mỹ, Nhật vẫn đang nằm trong danh sách chịu thuế nhập khẩu nhôm, thép. Thieliant cho rằng Mỹ có thể miễn thuế cho Nhật, để đổi lấy việc thúc đẩy đàm phán thương mại. Như Hàn Quốc, sau khi tái đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ, các công ty nước này gần như được miễn thuế nhập khẩu nhôm thép.
Tuy vậy, nhìn chung, kể cả khi đạt thỏa thuận thương mại mới, thâm hụt của Mỹ với Nhật có thể sẽ không cải thiện nhiều. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 40 tỷ USD xe hơi Nhật. Con số này ở chiều ngược lại chỉ là 500 triệu USD.
Khoảng cách này không phải là kết quả của các rào cản thương mại. Giới phân tích nhận xét thị trường ôtô Nhật cạnh tranh rất khốc liệt. Doanh số bán ôtô còn đang giảm và các dòng xe Mỹ từ lâu đã được coi không phù hợp với người tiêu dùng Nhật.
Fiat Chrysler gần đây bán được nhiều xe hơn tại Nhật. Họ cho biết thành công này đến từ việc thích nghi với thị trường địa phương, như bổ sung gương bên thân xe có thể gập nhanh khi đang đỗ.
Pontus Haggstrom - CEO Fiat Chrysler Nhật cho biết Nhật Bản có một số yêu cầu đặc biệt về thử nghiệm và chứng nhận xe nhập khẩu. “Việc này sẽ tốn thời gian một chút, nhưng không phải là yếu tố kìm hãm doanh số của chúng tôi”, ông nói, “Thuế nhập khẩu ở đây đã giảm dần từ thập niên 80 rồi. Vì thế, Nhật gần như đã là thị trường mở và tự do”.