Mỹ công bố báo cáo thương mại trước thềm áp thuế của Tổng thống Trump
Báo cáo thường niên đã liệt kê mức thuế suất trung bình mà các quốc gia đối tác áp dụng, cùng những rào cản phi thuế quan như quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, yêu cầu về năng lượng tái tạo.

Ngày 31/3, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách toàn diện về các chính sách và quy định của những nước mà Mỹ coi là rào cản thương mại, hai ngày trước khi ông Trump đề xuất áp thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại toàn cầu.
Báo cáo thường niên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã liệt kê mức thuế suất trung bình mà các quốc gia đối tác áp dụng, cùng những rào cản phi thuế quan như quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, yêu cầu về năng lượng tái tạo và quy tắc mua sắm công.
Thuế đối ứng của ông Trump, dự kiến công bố vào ngày 2/4, nhằm điều chỉnh mức thuế của Mỹ để tương xứng với mức thuế cao hơn mà các nước khác áp lên một số mặt hàng, đồng thời bù đắp các rào cản phi thuế quan gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ.
Tuần trước, ông Trump thông báo kế hoạch áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu vào Mỹ, nhằm khôi phục ngành sản xuất trong nước nhưng có nguy cơ gây ra cú sốc giá mới.
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết chưa có Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử hiện đại nhận thức rõ về các rào cản thương mại bất lợi đối với những nhà xuất khẩu Mỹ như ông Trump.
Ông Greer khẳng định chính phủ hiện nay đang nỗ lực giải quyết những hành vi thiếu công bằng, qua đó khôi phục công bằng thương mại và đặt lợi ích của doanh nghiệp, người lao động Mỹ lên hàng đầu.
Hiện vẫn chưa rõ báo cáo dài 397 trang của USTR sẽ tác động thế nào đến kế hoạch áp thuế đối ứng của ông Trump.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nhiều lần cho rằng thuế giá trị gia tăng (VAT) mà các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp lên hàng nhập khẩu có tác dụng như một loại thuế bổ sung và trợ cấp xuất khẩu khi được hoàn lại đối với ôtô xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, báo cáo của USTR không đề cập VAT như một rào cản thương mại trong phần thảo luận về chính sách của EU, mà tập trung vào thuế dịch vụ kỹ thuật số và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon mới của khối này.
Nhiều rào cản thương mại trong báo cáo mang tính kỹ thuật hoặc xuất phát từ các quy định của chính phủ, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu Mỹ. Chẳng hạn, EU trì hoãn phê duyệt các loại cây trồng biến đổi gen hoặc cấm nhập khẩu nông sản có chứa dư lượng của một số loại thuốc trừ sâu.
Báo cáo cảnh báo yêu cầu mới của EU về tỷ lệ tối thiểu nhựa tái chế sau sử dụng trong bao bì nhựa có thể tạo ra rào cản không chính đáng đối với hàng xuất khẩu Mỹ.
Ngoài ra, báo cáo còn đề cập đến các tranh chấp thương mại kéo dài, như hệ thống quản lý cung ứng của Chính phủ Canada đối với những ngành sữa, gia cầm và trứng. Chính sách này bao gồm hạn ngạch nhập khẩu và thuế cao, trong đó thuế nhập khẩu vượt hạn ngạch đối với phô mai là 245% và bơ là 298%.
Ông Trump từng chỉ trích mức thuế cao của Canada đối với các sản phẩm sữa và tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp thuế tương đương nếu Canada không điều chỉnh chính sách này.