Mỹ dọa cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu

Thủy Nguyễn

Phát biểu trong cuộc họp báo lúc 1 giờ 30 phút ngày 25/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ không gửi quân vào Ukraine mà chỉ bảo vệ NATO. Nhưng Mỹ sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn, nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Tổng thống Mỹ Biden, tổng số các hình phạt sẽ nhắm vào tài sản hàng nghìn tỷ USD, bao gồm các biện pháp cụ thể chống lại giới thượng lưu của Nga và các ngân hàng, trong đó có cả Ngân hàng VTB - ngân hàng quốc doanh lớn của Nga.

"Hôm nay, tôi sẽ phê duyệt bổ sung các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và những hình thức hạn chế mới đối với tất cả mặt hàng có thể xuất khẩu sang Nga. Điều này sẽ đặt ra một chi phí lớn cho nền kinh tế Nga ngay lập tức và cả sau này", ông Biden tuyên bố.

Tổng thống Mỹ cho biết, trong khuôn khổ cuộc họp với các nước G7 ngày hôm qua (24/2), lãnh đạo các nước đã thống nhất đi đến thỏa thuận ban lệnh cấm đối với mọi giao dịch kinh tế của Nga bằng đồng USD, Euro, Bảng Anh hay Yên Nhật.

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Biden, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một danh sách chi tiết hơn về các lệnh trừng phạt của nước này đối với Nga. Theo đại diện của Bộ Tài chính Mỹ, những biện pháp trừng phạt này sẽ kìm hãm khả năng hoạt động của Ngân hàng Sberbank - ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Nga và Đông Âu, là ngân hàng lớn thứ ba châu Âu và Ngân hàng VTB.

“Mỗi ngày các tổ chức tài chính Nga thực hiện khoảng 46 tỷ USD giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, 80% trong đó là bằng đồng Đô la Mỹ. Kể từ giờ, các giao dịch đó sẽ bị gián đoạn”, đại diện Bộ Tài chính Mỹ nói.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đã cho phép bổ sung quân đội đóng quân tại Đức khi các đồng minh NATO tìm cách tăng cường phòng thủ ở châu Âu.

Mỹ cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các gia đình thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để gây áp lực buộc Moscow phải chấm dứt cuộc tấn công quân sự. Những cá nhân có tên trong danh sách bao gồm đồng minh của Tổng thống Nga Putin, cựu Chánh Văn phòng Văn phòng điều hành Tổng thống Sergei Ivanov và con trai ông. Danh sách cũng có tên bố con nhà Igor Sechin - một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin và Giám đốc điều hành của Rosneft (Rosneft là một trong những công ty dầu mỏ được giao dịch công khai lớn nhất toàn cầu).

Trước phát biểu của ông Biden, các nhà lãnh đạo của G7 cũng lên tiếng cực lực lên án và phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và hứa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc đối với Điện Kremlin. Anh và Canada đều tuyên bố sẽ bế quan đối với hàng xuất khẩu sang Nga.

Về phía Mỹ, ông Biden cho biết các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ của Bộ Thương mại cũng sẽ hạn chế thương mại công nghệ cao với Nga để hạn chế quyền truy cập vào các chất bán dẫn cần thiết để sản xuất trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ và phần cứng quốc phòng.

Ông Biden nói rằng nếu Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty hoặc cơ sở hạ tầng của Mỹ, những hành động đó sẽ được đáp ứng bằng hiện vật. Nhưng ông nhắc lại rằng Mỹ sẽ không gửi quân vào Ukraine.

“Lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Các lực lượng của chúng tôi không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của Mỹ”, ông Biden khẳng định.

Nhà Trắng thông báo trong một bản tin: “Do hậu quả của cuộc chiến lựa chọn của Putin, Nga sẽ phải đối mặt với áp lực ngay lập tức và mạnh mẽ lên nền kinh tế của mình, và những chi phí lớn do bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, thương mại toàn cầu và công nghệ tiên tiến”.