Xung quanh cú hích hạ tầng 1.000 tỷ USD của Mỹ
Dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD hứa hẹn sẽ mang lại cho Mỹ những khoản đầu tư lớn, từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế nước này.
Ngày 10/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận cơ sở hạ tầng cho lưỡng đảng trị giá 1.000 tỷ USD và đây là bước đầu tiên trong ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo báo New York Times, dự luật cơ sở hạ tầng vừa được thông qua tại Thượng viện dài tới 2.700 trang. Các nghị sĩ của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi quyết liệt về các nội dung trong dự luật trước khi chấm dứt bằng phiên bỏ phiếu ngày 10/8.
Với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống tại Thượng viện, dự luật sẽ được chuyển xuống Hạ viện để tiếp tục bỏ phiếu trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Biden.
Dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD hứa hẹn sẽ mang lại cho nước Mỹ những khoản đầu tư lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua vào hệ thống cầu đường, sân bay và các tuyến đường thủy, từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
"Đây là một khoản đầu tư quan trọng, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho các nghiệp đoàn trên khắp nước Mỹ, tại nhiều thành phố, thị trấn, các vùng nông thôn và các cộng đồng thiểu số. Đó là cách để chúng ta xây dựng nước Mỹ tốt hơn", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, dự luật cơ sở hạ tầng khó có thể tác động lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong vài năm tới như các gói cứu trợ đại dịch. Lý do là bởi số tiền chi cho cơ sở hạ tầng ít hơn số tiền cứu trợ, trong khi thời gian đầu tư lại dài hơn.
Chuyên gia của Goldman Sachs Research ước tính, dự luật cơ sở hạ tầng có thể khiến GDP của Mỹ tăng thêm khoảng 0,2% trong năm 2022 và 0,3% trong năm 2023.
"Chúng ta đang nói về rất nhiều dự án trong dài hạn như băng thông rộng, cơ sở hạ tầng điện, hệ thống nước, thậm chí cả phương tiện công cộng và đường sắt. Sẽ phải mất một khoảng thời gian để thực hiện trọn vẹn các dự án này", chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi cho hay.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các khoản đầu tư vào đường cao tốc, cảng biển và băng thông rộng có thể giúp nền kinh tế Mỹ hoạt động hiệu quả và năng suất hơn. Các ngành nghề liên quan đến công nghệ và an ninh mạng dự kiến cũng sẽ hưởng nhiều lợi ích từ gói đầu tư nghìn tỷ này.
Việc dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua cũng đã tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Hiện giới đầu tư Phố Wall đang hướng sự chú ý tới các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, qua đó giúp lĩnh vực vật liệu và công nghiệp trong S&P 500 tăng khoảng 18% kể từ đầu năm tới nay. Các cổ phiếu tiện ích, bất động sản, giao thông vận tải và viễn thông cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Một quỹ thí điểm trị giá 350 triệu USD cho các dự án giảm va chạm giữa xe cộ và động vật hoang dã cũng sẽ được rót tiền nếu đạo luật chính thức có hiệu lực, theo New York Times.
Trong khi đó, ngày 11/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD nhằm đẩy mạnh các biện pháp chống biến đổi khí hậu và triển khai một số chương trình trợ cấp xã hội mới.
Dự thảo ngân sách này bao gồm cấp ngân sách cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng (trong đó có những danh mục không nằm trong dự luật đầu tư hạ tầng cơ sở vừa được Thượng viện thông qua), trao quy chế công dân Mỹ cho hàng triệu lao động nhập cư và miễn phí hai năm học tại các trường đại học công lập. Các thượng nghị sĩ có thời gian đến ngày 15/9 tới để trình dự thảo sửa đổi.
Với quy mô khổng lồ của gói chi tiêu – tương đương với quy mô nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu năm 2020, các nghị sĩ Mỹ gọi dự thảo ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD là “kế hoạch chi tiêu xã hội hiệu quả nhất” kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Gói chi tiêu này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn các dự luật chi tiêu cuối cùng trước ngày 30/9 nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ hoặc phải gia hạn ngân sách tài khóa hiện nay sang năm tài khóa mới trong khi vẫn tiếp tục thảo luận về các vấn đề này./.