Tăng trưởng kinh tế Mỹ gấp rưỡi Trung Quốc nhờ vắc xin COVID-19 và bơm tiền?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Trong ngắn hạn, sự đảo ngược vị thế này phản ánh cho những khác biệt từ cách mà hai nước ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Mỹ và Trung Quốc đang hoán đổi vị trí trên cuộc đua tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Trong quý 2/2021, GDP Mỹ tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP Trung Quốc trong khi đó đạt 7,9%.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ vẫn cao hơn Trung Quốc trong vài quý tới, theo khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế. Đây sẽ là giai đoạn tăng trưởng cao dài nhất ít nhất tính từ năm 1990 khi mà kinh tế Mỹ ở thời điểm đó tăng trưởng mạnh hơn Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, sự đảo ngược vị thế này phản ánh cho những khác biệt từ cách mà hai nước ứng phó với đại dịch COVID-19. Virus corona ban đầu xuất hiện ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly tại trung tâm dịch Vũ Hán và nhiều nơi khác. GDP Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 suy giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi đó GDP Mỹ tăng nhẹ.

Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc ban đầu đã giúp tăng trưởng kinh tế của nước này mạnh hơn Mỹ, kinh tế Mỹ lúc đó suy giảm nghiêm trọng và rồi chính phủ cũng vẫn phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã bật lại nhanh chóng nhờ vào chiến lược chống dịch COVID-19 khác biệt. Giới chức Mỹ triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 lớn, kích thích tài khóa quy mô lớn và chính sách lãi suất gần 0% nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra, cách xử lý của chính phủ hai nước với sự lây lan mạnh của biến chủng delta cũng thêm một lần nữa ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của họ. 

Các biện pháp tài khóa của chính phủ Mỹ đã giúp cho các hộ gia đình Mỹ tích lũy được 2,6 nghìn tỷ USD trong cái mà Moody Analytics gọi là tiết kiệm dư thừa, tiết kiệm của người Mỹ hiện giờ còn cao hơn cả bất kỳ dự báo nào người ta từng có trước đại dịch. Tiết kiệm của người Mỹ như vậy cao gấp 7 lần so với Trung Quốc.

Moody dự báo tăng trưởng GDP Mỹ sẽ vượt Trung Quốc trong vòng 5 quý liên tiếp, tính từ quý 2/2021. Capital Economics và Oxford Economics cũng dự báo xu thế tương tự sẽ diễn ra trong vòng 3 quý, ngắn hơn so với dự báo của Moody.

Chuyên gia phân tích về châu Á tại tổ chức Matthews Asia, ông Andy Rothman, cho rằng sự đảo chiều tăng trưởng này có thể coi như bước cản quan trọng trong con đường Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Với tổng dân số gần gấp 4 lần so với Mỹ, giới chức Trung Quốc nhiều thập kỷ nay đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích tăng trưởng thông qua tiết kiệm và đầu tư, cũng dễ hiểu nếu kinh tế Trung Quốc sớm vượt qua Mỹ về quy mô. 

Ở thời điểm năm 1970, chuyên gia kinh tế Angus Maddison từng nói về khả năng kinh tế Trung Quốc sớm đứng đầu thế giới về quy mô, tuy nhiên không lâu sau đó, kinh tế Trung Quốc đã bị vượt qua bởi nhiều nền kinh tế công nghiệp lớn hàng đầu thế giới với năng suất lao động cao hơn.

Từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với kinh tế thế giới vào thập niên 1970, Trung Quốc đã thu hẹp được về quy mô chênh lệch GDP với Mỹ. Oxford Economics ước tính Trung Quốc sẽ sớm trở thành số 1 vào năm 2030, Moody cho rằng khả năng này sẽ thành hiện thực vào năm 2038. Chênh lệch lớn này phản ánh cho những khác biệt trong cách tính toán.