Mỹ - EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc
Uỷ ban châu Âu (EC) vừa đề xuất thành lập Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU- Mỹ để thiết lập các tiêu chuẩn chung về công nghệ mới.
Mục đích hoạt động của Hội đồng này nhằm củng cố vai trò lãnh đạo công nghệ và công nghiệp, mở rộng thương mại và đầu tư song phương.
Chống Trung Quốc toàn diện
Thực chất của Hội đồng này là một liên minh trong lĩnh vực công nghệ giữa EU và Mỹ nhằm đối trọng với Trung Quốc. Không phải bây giờ, mà từ năm 2020 công nghệ 5G của Trung Quốc đã bị gạt ra khỏi cấu trúc hạ tầng kỹ thuật tại EU.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh tại Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đang rục rịch xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ mới mà không có Bắc Kinh.
Một phần của kế hoạch này được tiết lộ trên tờ Nikkei: Chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung cấp các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung khi cần; chia sẻ các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng.
Như vậy, ông Joe Biden tiếp tục là một Tổng thống đối địch với cường quốc Châu Á, với 2 gọng kìm là thương mại và công nghệ - thông qua mạng lưới đồng minh từ Tây sang Đông.
Nguy cơ xung đột công nghệ
Việc phương Tây cắt đứt quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ càng khiến cho nước này khó khăn hơn trong tiếp cận các nguồn lực từ các cường quốc công nghệ.
Nền công nghệ Trung Quốc mặc dù phát triển nhanh nhưng không ổn định. Bằng chứng là nước này chưa làm chủ được công nghệ sản xuất chip thế hệ mới - cái mà Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc rất thành thạo.
Trung Quốc cũng xây dựng riêng cho mình nhiều kế hoạch nhằm tự chủ ít nhất 70% khối lượng sản phẩm công nghệ cao, ngoài “Made in China 2025” còn có chiến lược “tuần hoàn kép”. Nước này tham vọng đưa ra “tiêu chuẩn công nghệ mới khác biệt với phương Tây”.
Như vậy, sự phát triển công nghệ toàn cầu sắp chia thành hai dòng chảy với hai hệ thống, hai tiêu chuẩn, hai hệ sinh thái, hai quy cách đo lường. Ví dụ, thiết bị do phương Tây sản xuất có thể không sử dụng được linh, phụ kiện được chế tạo bởi Trung Quốc.
Cũng như ngoại giao, chính trị,… cuộc li khai công nghệ lần này tiếp tục làm khó các nước nhỏ, yếu tiềm lực, họ buộc phải chọn lựa một trong hai bên. Điều đó có nghĩa toàn cầu hóa nhưng trục chính vẫn là hai cực Mỹ - Trung.
Đồng thời, cạnh tranh kịch liệt là động lực quan trọng để ra đời nhiều phát minh mới, là thuốc thử nặng liều đo đếm tiềm lực của Trung Quốc trong màn chạy đua giành ngôi vị thống trị toàn cầu.
Trong cuộc đua này, Mỹ và các đồng minh đang nắm nhiều lợi thế hơn. Hãy chờ xem điều thần kỳ Trung Quốc liệu có xảy ra một lần nữa hay không?