Fed sẽ thay đổi chính sách để thích ứng biến động trên thị trường trái phiếu
Lợi suất trái phiếu không ngừng tăng, cùng với đó là nỗi lo lạm phát từ gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, đang tạo áp lực khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần một hướng đi để thích ứng biến động trên thị trường trái phiếu.
Khi vacine Covid-19 đã được triển khai và Quốc hội Mỹ chuẩn bị cung cấp thêm 1,9 nghìn tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế, các nhà đầu tư đang bắt đầu lo lắng về lạm phát. Điều đó đã gây ra tình trạng bán tháo nợ chính phủ đang khiến lãi suất tăng lên.
Lợi suất trái phiếu Mỹ đang tăng với kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên chạm mức 1,4% kể từ tháng 2/2020 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm, được coi là nhạy cảm hơn với những thay đổi trong chính sách tiền tệ, đã có những bước nhảy vọt lớn trong một thập kỷ. Các cuộc đấu giá chứng khoán có thời hạn 5 và 7 năm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ không được các nhà đầu tư đón nhận.
Các nhà đầu tư vẫn theo dõi chặt chẽ các diễn biến quanh gói cứu trợ dịch Covid-19 với trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, vốn có thể góp phần đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, song đi cùng với cái giá là lạm phát gia tăng. Các nhà chiến lược cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng cường nỗ lực để giữ lợi suất trái phiếu kho bạc được kiềm chế.
Trước đó, trong phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 24/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết lãi suất sẽ vẫn thấp và Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, Chủ tịch Fed cho rằng chính sách tiền tệ vẫn cần được điều chỉnh, với sự phục hồi kinh tế “không đồng đều và sẽ còn kéo dài”.
Fed hiện đang mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng, bao gồm 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (Mortgage Backed Securities), đồng thời đã cam kết duy trì tốc độ đó cho đến khi đạt được “tiến bộ đáng kể hơn nữa” đối với các mục tiêu về tăng việc làm tối đa và lạm phát 2%.
Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo dốc thời gian qua gợi nhắc tới sự kiện “taper tantrum” năm 2013 khi Fed công bố thu hẹp các gói nới lỏng định lượng được thực hiện trước đó, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ gia tăng trên toàn cầu.
Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.
Về sự gia tăng lợi tức trái phiếu, Kit Juckes của Société Générale cho biết, đặc biệt là những trái phiếu đáo hạn trong khoảng 5 năm, là “không bền vững”.
Sebastien Galy, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Nordea Asset Management hy vọng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng nhất có thể bằng cách mua chứng khoán có thời hạn dài hơn để kìm hãm lợi suất tăng. Ông cũng hy vọng các nhà đầu tư trái phiếu sẽ kiểm tra quyết tâm của Fed nhiều hơn nữa trong nửa cuối năm khi nền kinh tế nóng lên.
Thật vậy, hiện lợi suất đang tăng trên toàn cầu, và các ngân hàng trung ương đã cảnh báo bất kỳ sự thận trọng nào đối với trái phiếu. Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể phải tăng cường hỗ trợ tiền tệ nếu lợi suất nàytăng gây thiệt hại cho phục hồi kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng “bắn một phát súng cảnh cáo chống lại lợi suất cao hơn,” Galy nói.
Alberto Gallo, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại công ty quản lý tài sản Algebris Investments, cho rằng các nhà đầu tư đã trở nên tự mãn về triển vọng tăng lợi suất trái phiếu và lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên 3% trong năm nay - cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Bất chấp mối đe dọa về giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn, ông hy vọng Fed và các tổ chức khác sẽ nhanh chóng phản ứng để giữ kín lãi suất. Ông nói: “Các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ đẩy lùi các dấu hiệu của "cơn bão" trên thị trường".
Theo CNBC, để kìm chế đà leo dốc của lợi suất trái phiếu Mỹ, Fed rất có thể sẽ sử dụng công cụ Operation Twist - Công cụ hoán đổi thời hạn trái phiếu. Người ta có thể dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trả cho các khoản dự trữ để giải quyết các vấn đề trên thị trường tiền tệ, mặc dù vậy Fed cũng có thể điều chỉnh lãi suất đối với hoạt động thỏa thuận mua lại qua đêm (overnight repo) trên thị trường trái phiếu.
Cơ chế của Operation Twist liên quan đến việc bán các giấy tờ có giá thời hạn ngắn của chính phủ và mua cùng một lượng USD trong các trái phiếu có thời hạn dài hơn. Mục tiêu là tăng lợi suất ngắn hạn và giảm lợi suất đối với trái phiếu dài hạn, do đó làm phẳng đường cong lợi suất. Trong một thập kỉ trước, dưới thời ông Ben Bernanke, Fed cũng đã sử dụng công cụ này.
Mark Cabana, chiến lược gia lãi suất tại Bank of America Global Research, cho biết: “Fed đồng thời mất quyền kiểm soát cả đường cong lợi suất kỳ ngắn và dài vì những lý do khác nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, sử dụng “Operation Twist", bán đồng thời trái phiếu kho bạc kỳ ngắn của Hoa Kỳ và mua trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, là chính sách hoàn hảo cho Fed”.
Các nhà đầu tư có xu hướng tránh xa các trái phiếu có thời hạn dài trong thời gian lạm phát vì lãi suất của chúng không thể theo kịp và khiến người nắm giữ trái phiếu mất tiền. Đó là lý do tại sao Cabana kỳ vọng Fed sẽ bán 80 tỷ USD tín phiếu kho bạc mỗi tháng và sử dụng nó để mua trái phiếu có thời hạn 4 năm rưỡi.