Mỹ "hé lộ" tham vọng lớn trong ngành bán dẫn
Báo cáo mới của Hiệp hội Bán dẫn Mỹ (SIA) đặt ra mục tiêu nâng thị phần chip logic tiên tiến của Mỹ từ gần 0% hiện nay lên tới 30% vào năm 2032.
Theo báo cáo từ SIA, Hoa Kỳ sẽ tăng gấp ba công suất sản xuất chip trong nước vào năm 2032. Nếu làm được, Mỹ sẽ có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới.
Kỳ vọng lớn của Mỹ
Sau hàng thập kỷ suy giảm thị phần sản xuất chip, hàng tỷ USD mà chính phủ Mỹ hứa hẹn dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn dự kiến sẽ giúp đảo ngược tình trạng này.
Theo một báo cáo hợp tác với Tập đoàn Tư vấn Boston được công bố hôm 8/4, SIA dự kiến Mỹ sẽ tăng gấp ba công suất sản xuất chip trong nước vào năm 2032, mức tăng lớn nhất thế giới. Theo đó, thị phần của nước này sẽ tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, lên 14% vào năm 2032 từ khoảng 10% hiện nay.
Báo cáo cho thấy phần lớn tăng trưởng của ngành sẽ được thúc đẩy bởi Đạo luật CHIPS, trong đó Bộ Thương mại có khoảng 39 tỷ USD để khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước. Nếu không có luật mới này, SIA nói rằng thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ sẽ giảm xuống còn 8% vào năm 2032.
Ngoài việc cung cấp tài trợ cho các nhà sản xuất chip, đạo luật CHIPS còn thiết lập các khoản tín dụng thuế liên bang để giúp các công ty trang trải chi phí xây dựng và trang bị thiết bị sản xuất cho các nhà máy.
Thị trường Mỹ được cho sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong hoạt động sản xuất chip logic tiên tiến trong nước – thứ được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và xe tự hành. Trong khi các chip trưởng thành đã dần trở nên bão hòa, đây mới là mục tiêu hàng đầu mà Mỹ hướng tới. Quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ là nước này cần phải có nguồn cung cấp chất bán dẫn tiên tiến đáng tin cậy hơn ngoài Trung Quốc để có thể dẫn đầu trong các ngành công nghệ lớn tương lai.
Đạo luật CHIPS năm 2022 nhằm mục đích tái lập Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn, các thành phần quan trọng cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại và máy tính đến xe điện và hệ thống vũ khí.
Một phát hiện quan trọng từ báo cáo này là việc Hoa Kỳ dự kiến sẽ sản xuất gần 30% tổng số chip logic tiên tiến vào năm 2032, tăng từ mức gần như bằng 0 hiện nay. Con số đầy tham vọng này đang được chứng minh bằng cam kết của các công ty chip hàng đầu.
Một số công ty gần đây đã nhận được giải thưởng liên bang đã cam kết sản xuất chất bán dẫn hàng đầu tại Hoa Kỳ trong những năm tới, bao gồm Samsung, Intel và TSMC. Chưa kể tới các khoản tài trợ lên tới hàng chục tỷ USD khác cho Micron, GlobalFoundries, Microchip Technology và BAE Systems.
Tốc độ nhanh chóng đó của Mỹ được đưa ra nhằm bắt kịp các đối thủ khác. Các chính phủ trên toàn cầu, bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang nhanh chóng đưa ra các ưu đãi mới hoặc mở rộng nhằm lôi kéo các nhà sản xuất chip xây dựng nhà máy trong những năm gần đây.
Theo báo cáo, đầu tư của khu vực tư nhân vào sản xuất chất bán dẫn được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 2,3 nghìn tỷ USD từ năm 2024 đến năm 2032. Báo cáo cho thấy Mỹ dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% chi phí vốn đó, chỉ đứng sau Đài Loan (Trung Quốc).
John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của SIA, cho biết: “Các quốc gia khác đang phát triển khá nhanh trong ngành chip, nhưng chúng tôi cũng đang phát triển với tốc độ cực nhanh. Điều đó chủ yếu là do những phản hồi về chính sách của chúng tôi thông qua Đạo luật CHIPS.”
Rào cản cũng không ít
Dù vậy, các mục tiêu tham vọng đó đang gặp nhiều rào cản. Thiếu công nhân xây dựng, kỹ thuật viên tại Mỹ gây khó khăn lớn cho các công ty trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất.
Tháng 4 vừa qua, SIA dự báo lực lượng lao động của ngành bán dẫn sẽ cần bổ sung thêm gần 115.000 người nhân sự bán dẫn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng 33%. Tuy nhiên, với chính sách đào tạo và thị thực như hiện nay, Mỹ chỉ có thể đáp ứng được 42% nhu cầu mới. Đáng nói hầu hết vị trí thiếu người lại là kỹ sư bậc cao hay nhà khoa học máy tính.
Hay SIA cũng cho rằng cần thêm “sự hỗ trợ bền vững” để tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. “Các quan chức liên bang có thể xem xét sự cần thiết của các biện pháp khuyến khích trong tương lai, chẳng hạn như tín dụng thuế vĩnh viễn được mở rộng để chi trả cho thiết kế chất bán dẫn”, báo cáo cho biết.