Mỹ Latin - Trung Quốc: Thách thức để không phụ thuộc
(Taichinh) - Chưa đầy 2 năm sau khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm khu vực Mỹ Latin 2 lần. Giới phân tích cho rằng, nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình có thể mở ra khả năng làm thay đổi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latin, từ thời kỳ chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và thương mại sang giai đoạn tiếp cận chính trị.
Đối trọng với Washington
Từ đầu thế kỷ này, mối quan tâm của Bắc Kinh đối với Mỹ Latin và Caribbe gia tăng đáng kể. Một trong những mốc quan trọng giúp đẩy nhanh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này là chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Brazil, Argentina và Chile cuối năm 2004, với việc 3 nước Nam Mỹ đều ký nghị định thư công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc, giúp hạn chế khả năng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh đã tiến hành đàm phán với từng nước và từng bước làm sâu sắc các mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, Mỹ Latin phản ứng rời rạc, thiếu gắn kết trong phát triển quan hệ với Trung Quốc. Hiện tại, trong số 33 thành viên của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbe (CELAC), 21 nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và chỉ 6 nước có văn phòng thương mại song phương.
Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã cố tránh sự nghi kỵ từ Mỹ trong các mối quan hệ của họ với Mỹ Latin và Caribbe. “Quyền lực mềm” là công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để hạn chế học thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” và củng cố chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, khái niệm sau đó được thay thế bằng “phát triển hòa bình”. Tuy nhiên, sáng kiến thúc đẩy quan hệ với Mỹ Latin và Caribbe qua CELAC đã gây quan ngại cho Mỹ.
Caribbe luôn chiếm vị trí quan trọng trong bản đồ địa - chính trị nhờ nắm giữ tuyến hàng hải nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Các dự án cải tạo và mở rộng Kênh đào Panama cũng như xây dựng một kênh đào mới tại Nicaragua, với vốn đầu tư của Trung Quốc, càng làm gia tăng mối quan ngại này. Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba là một bước ngoặt lịch sử trong nền ngoại giao Mỹ và cho thấy mối quan tâm của họ về việc thiết lập một cấp độ quan hệ và đối thoại mới nhằm tái cân bằng khu vực.
Diễn đàn CELAC - Trung Quốc là sự bổ trợ cho những hỗ trợ kinh tế, tài chính mà Bắc Kinh đã cung cấp cho khu vực này trong những năm qua, và là sự tiếp nối trọng điểm được xác định trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba hồi tháng 6.2014.
Cạnh tranh ảnh hưởng này rõ ràng có lợi cho Mỹ Latin và Caribbe, và tạo ra khuôn khổ mới nhằm cân bằng sự phụ thuộc lịch sử của khu vực vào Mỹ. Đối với Trung Quốc, các nước thành viên CELAC cũng tìm cách cân bằng quan hệ thương mại mất cân đối hiện tại (Trung Quốc xuất khẩu hàng chế tạo và nhập khẩu nguyên liệu) cũng như trong tương quan tầm quan trọng của khu vực đối với Trung Quốc và ngược lại.
Hợp tác hay lệ thuộc?
Nhu cầu liên tục của Trung Quốc đối với tài nguyên của Mỹ Latin cũng giúp các nước này tăng trưởng kinh tế sau một thời gian trì trệ, tuy nhiên cũng làm tăng tính mong manh của các nền kinh tế trong khu vực. Venezuela nhận đầu tư của Trung Quốc hơn bất cứ nước Mỹ Latin nào khác và phần lớn trong số này đều hướng tới nâng cao sản lượng dầu thô.
Tại Brazil, Bắc Kinh cấp tín dụng cho một số hoạt động thăm dò và mua cổ phiếu của một số công ty có triển vọng khai thác dầu thô tại lớp tiền muối (lớp địa chất nằm sâu trên 1.000m dưới đáy biển). Tại Argentina, các công ty dầu khí Trung Quốc đang cạnh tranh với các đồng nghiệp phương Tây bằng các hoạt động sáp nhập và mua lại công ty. Công ty dầu khí lớn nhất của Argentina YPF đã thiết lập đối tác chiến lược với Tập đoàn Sinopec Trung Quốc để thăm dò ở Vaca Muerta, nơi có trữ lượng dầu phi truyền thống lớn thứ 3 thế giới.
Rõ ràng là Trung Quốc ngày càng trở thành nước cạnh tranh với Mỹ và châu Âu về quyền lực kinh tế, chính trị tại Nam Mỹ và luôn xuất hiện trong vai trò lựa chọn thay thế hấp dẫn về mặt kinh tế. Tình thế này diễn ra đúng lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã hạn chế khả năng can thiệp của các cường quốc phương Tây vào Nam Mỹ. Sự bất cân xứng sức mạnh ngày càng lớn giữa các nước thành viên CELAC và Trung Quốc mang lại nhiều thách thức.
Đối với nhiều tác nhân chính trị trong khu vực, cam kết mới của Trung Quốc với Mỹ Latin đem lại cơ hội về thương mại, đầu tư và các liên kết chính trị. Các mối liên kết này đem lại lợi ích hữu hình cho các nước Nam Mỹ, nhưng nó cũng đang bị chỉ trích là một hình thức thực dân mới và mối lo ngại về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Để tránh rơi vào tình trạng phụ thuộc, các nước trong khu vực phải cải cách cả đối nội và đối ngoại để ngăn chặn sự mất cân bằng ngày càng tăng trong quan hệ với Bắc Kinh. Trong các chiến lược song phương và đa phương, Trung Quốc tin tưởng vào “quyền lực mềm” để tăng cường quan hệ. Vì thế, xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào vẫn là thách thức đối với Mỹ Latin.