Mỹ tái khẳng định chính sách xoay trục
(Tài chính) Đề cao vai trò TPP và hợp tác quốc phòng an ninh, Mỹ tái khẳng định sức ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến thăm từ ngày 7-11/4 tới Nhật Bản và Hàn Quốc và sẽ tới Singapore để tham dự Hội nghị An ninh thường niên Đối thoại Shangri-La và thăm Ấn Độ vào tháng 5 tới.
Trong bài phát biểu tại trường Đại học Arizona University trước khi bắt đầu chuyến công du, ông Ashton nhấn mạnh giai đoạn mới trong chiến lược xoay trục của Mỹ hướng tới châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, tập trung vào 4 nội dung: thúc đẩy đầu tư, triển khai năng lực quân sự, nâng cao vị thế, củng cố quan hệ đối tác và các liên minh.
Mỹ sẽ đầu tư sản xuất vũ khí gồm cả máy bay tàng hình ném bom tầm xa mới và các thiết bị quân sự khác. Đồng thời, triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến và các tàu được trang bị tên lửa phòng thủ tới châu Á. Kế hoạch cũng bao gồm việc duy trì các công nghệ hiện thời, như máy bay chiến đấu F-35 và việc thích ứng với các loại vũ khí kiểu cũ như tên lửa Tomahawk, sẽ có lợi cho các quốc gia châu Á chống lại các mối đe dọa trên biển. Đồng thời, Mỹ sẽ tập trung củng cố các liên minh truyền thống, quan hệ với các đối tác mới, thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên, bao gồm cả hợp tác ba bên với Nhật Bản và Australia.
Bộ trưởng Carter cũng nhấn mạnh sự bức thiết để hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia thành viên khi cho rằng sự ổn định và an ninh khu vực có liên quan chặt chẽ với nền kinh tế. TPP sẽ giúp tăng xuất khẩu của Mỹ lên 123,5 tỉ USD trong một thập kỷ tới, thúc đẩy các mối quan hệ của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện sự cam kết rộng lớn hơn của Mỹ và thúc đẩy các giá trị Mỹ trong khu vực.
Tiến sĩ Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) cho rằng các lãnh đạo châu Á coi sự thành công của TPP là then chốt trong sự can dự của Mỹ ở khu vực. Tổng thống Obama đang tìm kiếm sự thông qua của Quốc hội đối với Dự luật Quyền xúc tiến thương mại để nhanh chóng hoàn tất TPP. Dự luật này cho phép tổng thống thương thuyết các hiệp định thương mại và quốc hội chỉ được quyền hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ, chứ không thương thuyết lại các điều kiện trong hiệp định. Hoàn tất TPP là ưu tiên bức thiết đối với Mỹ khi các nước trong khu vực đang sẵn sàng với các thỏa thuận thương mại riêng và Mỹ “ở vị trí dự bị”.
Thông điệp trấn an đồng minh Đông Bắc Á
Tại Nhật Bản, trong 2 ngày 8-9/4, Bộ trưởng Carter hội kiến các quan chức cấp cao của Nhật Bản để thảo luận định hướng chiến lược quốc phòng và mở đường cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington vào cuối tháng này.
Mỹ và Nhật Bản xem xét các hướng dẫn quốc phòng lần đầu tiên kể từ năm 1997 nhằm giúp Nhật tăng vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Đông Á, cung cấp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản vai trò tích cực hơn, sử dụng rộng rãi quyền phòng vệ tập thể để giúp đỡ quân đội các nước đồng minh khi bị tấn công. Hai bên cũng đã thảo luận việc di dời một căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ, hiện nằm trong một khu vực đông dân cư Okinawa đến khu vực khác của hòn đảo này.
Trong 2 ngày 9-10/4, Bộ trưởng Carter sẽ hội kiến các quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc, nhằm tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc, trước những hành động leo thang quân sự của Triều Tiên và thảo luận về các vấn đề khu vực. Chương trình nghị sự có thể bao gồm thảo luận về khả năng triển khai một khẩu đội của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Trước đó, THAAD đã khiến Trung Quốc, Triều Tiên và cả Nga lo ngại. Radar của THAAD có thể giám sát cả các cơ sở quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên trong khi phạm vi hoạt động của tên lửa lên đến 2.000 km với khả năng đánh chặn tên lửa, chẳng hạn như tên lửa của Nga.
Các nhà quan sát cũng cho rằng Mỹ nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do quan ngại một Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ. Những vấn đề của Trung Quốc như ngân sách quốc phòng không rõ ràng, hoạt động trên không gian mạng và tại các khu vực tranh chấp đã làm dấy lên nhiều nghi vấn.
Củng cố quan hệ đối tác ở Nam Á và Đông Nam Á
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi việc tham dự Hội nghị An ninh Đối thoại Shangri-La năm nay là một cơ hội quan trọng để gắn kết với Singapore và các đối tác quan trọng khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như là diễn đàn để ông Carter thể hiện quan điểm, thái độ và vai trò của Mỹ về vấn đề an ninh khu vực.
Tới Ấn Độ, Bộ trưởng Carter sẽ thúc đẩy phát triển quân sự cũng như hợp tác sản xuất các công nghệ quốc phòng vốn đã được đề cập trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1 vừa qua. Mối quan hệ hợp tác Mỹ - Ấn Độ cũng bao gồm các sáng kiến Công nghệ và Thương mại phục vụ quốc phòng do chính Bộ trưởng Carter đã khởi xướng khi ông còn làm Thứ trưởng Quốc phòng. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng, Bộ trưởng Carter cũng sẽ bàn thảo thêm với Ấn Độ về các vấn đề khác liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ “xoay trục” chưa đủ
Tháng 11/2011, chính quyền Obama chính thức đưa ra quan điểm về việc “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương trong bản khuyến nghị chính sách của Ngoại trưởng Hillary Clinton lúc đó. Cho đến nay, khi Tổng thống Obama chỉ còn 2 năm cuối nhiệm kỳ, những động thái của Mỹ dường như vẫn là sự đối phó với những biến chuyển của châu Á hơn là tích cực tham gia định hình chúng. Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DCb nhận định trên The Wall Street Journal, ở một mức độ nào đó có thể xem Mỹ như một "cường quốc nguyên trạng"… Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành những người dẫn dắt các sự kiện ở châu Á nhiều hơn là Mỹ.
Tại thời điểm hiện nay, ưu tiên châu Á trong chính sách của Mỹ đang bị thách thức bởi một môi trường an ninh toàn cầu đang xấu đi. Các nhóm Hồi giáo cực đoan đang mở rộng hoạt động ở Iraq và Syria, tình hình Yemen đang phức tạp hơn bao giờ hết với chiến dịch không kích của Liên đoàn Ả Rập, thành công trong đàm phán hạt nhân với Iran của Mỹ và P5+ 1 đã dấy lên căng thẳng trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel trong khi Ukraine vẫn chìm sâu trong xung đột và bất ổn.
Trong bối cảnh chính trị quốc nội Mỹ còn nhiều bất đồng (giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ) cũng như xáo trộn, đặc biệt khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào thời gian tranh cử Tổng thống 2016 thì liệu giai đoạn mới của chính sách tái cân bằng và xoay trục châu Á sẽ đem lại hiệu quả đến đâu.