Mỹ tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực giữ những công nghệ tối tân "xa tầm tay" Trung Quốc
Chính phủ Mỹ đang bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn trong việc hạn chế xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia mà không gây tác động xấu đến ngành công nghiệp Mỹ.
Tổng thống Trump đã xác định tham vọng công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia và muốn hạn chế những loại công nghệ Mỹ có thể xuất khẩu nước ngoài. Nhưng kế hoạch thực hiện đã vướng phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số quan chức chính phủ rằng việc áp đặt quá nhiều ràng buộc có thể gây phản tác dụng và làm suy yếu ngành công nghiệp Mỹ.
Cuộc tranh luận nhấn mạnh những vấn đề chưa được giải quyết do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra. Tổng thống đã công bố kế hoạch ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tháng này, yêu cầu Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và đồng ý với một số biện pháp bảo vệ công nghệ để đổi lấy việc tạm dừng thuế quan mới của Mỹ.
Thỏa thuận, chưa được ký kết, đã làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia. Nhưng những lo ngại về tham vọng kinh tế của Bắc Kinh vẫn còn, đặt ra thách thức lớn hơn khi Mỹ cân nhắc những bước cần thực hiện để đảm bảo sự thống trị của các công ty Mỹ đối với công nghệ thế hệ mới.
Trong gần một năm, Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ đã làm việc để xác định những công nghệ mới nổi, nếu được chia sẻ, có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Các hạn chế nhằm mục đích độc quyền công nghệ, tạo ra mối đe dọa an ninh cho các quốc gia khác. Chẳng hạn, máy in 3D tạo ra vũ khí ngay trên chiến trường, không cần thiết phải vận chuyển vũ khí. Trí tuệ nhân tạo có thể giải các mật mã mã hóa mà trước đây không thể thực hiện được. Các bào quan có thể tạo ra mô giúp chữa trị cho binh sĩ bị thương trong chiến tranh.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật yêu cầu kiểm soát các công nghệ mới nổi. Nhưng việc quyết định những công nghệ nào nên được điều chỉnh đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến và gây ra một cuộc xung đột trong chính phủ.
Một số quan chức, cùng với nhiều người trong cộng đồng kinh doanh và khoa học, khẳng định rằng những hạn chế quá chặt chẽ có nguy cơ đẩy hoạt động nghiên cứu ra nước ngoài, làm tê liệt thương mại đã tạo ra sự vượt trội về công nghệ của Mỹ. Nhưng những nhà phê bình Trung Quốc, trong đó có một số ủy viên chính trị của ông Trump, nói rằng Bắc Kinh là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cần phải được giải quyết triệt để.
Tranh cãi xảy ra giữa những người muốn có phản ứng rõ ràng với các chiến lược phát triển và mua lại công nghệ của Trung Quốc và những người chỉ muốn hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào một số sản phẩm cụ thể và về cơ bản trở lại cách tiếp cận kinh doanh thông thường đối với Trung Quốc, theo ông Michael R.Wessel, thành viên của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, người ủng hộ các biện pháp kiểm soát toàn diện hơn.
Tháng tới, Cục Công nghiệp và An ninh dự kiến sẽ công bố một loạt hạn chế ban đầu đối với việc xuất khẩu một số công nghệ, bao gồm điện toán lượng tử, sản xuất 3D và thuật toán hướng dẫn trí tuệ nhân tạo, một quan chức cho biết. Mặc dù những hạn chế này mới là khởi đầu, nhưng chúng không làm thỏa mãn các cố vấn phe diều hâu của Tổng thống.
Vượt ra ngoài một công nghệ cụ thể, cuộc tranh luận lan rộng từ hội trường Quốc hội đến Nhà Trắng về cách sửa đổi chính sách của Mỹ để đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong khi nhiều người ở Washington coi Bắc Kinh là đối thủ lớn nhất và lâu đời nhất, thì đây cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đặc biệt trong các ngành công nghiệp như nông nghiệp và sản xuất.
Những người phản đối các biện pháp kiểm soát rộng hơn lập luận thương mại và sự phát triển công nghệ mà nó thúc đẩy thực sự mang lại cho Mỹ những lợi thế về an ninh - bao gồm thông tin và lợi nhuận.
Các nhà lãnh đạo và nghiên cứu kinh doanh cho rằng các quy tắc quá bao trùm có thể đè nặng lên các ngành công nghiệp cần có sự trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và giao dịch các bộ phận, linh kiện trên toàn thế giới, như phát triển xe hơi không người lái hoặc vật liệu sinh học. Những hạn chế như vậy có thể khiến các công ty Mỹ chuyển cơ sở nghiên cứu sang các nước không kiểm soát xuất khẩu.
"Bạn không thể làm khoa học với những bức tường chắn xung quanh. Nếu bảo mật chi phối sự trao đổi, vị trí tiên phong khoa học công nghệ của chúng ta có thể mất đi," ông Toby Smith, phó chủ tịch chính sách của Hiệp hội các trường đại học Mỹ cho biết.
Các công ty như Google, General Motors, Microsoft, Toyota và Raytheon đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh các biện pháp kiểm soát càng thu hẹp càng tốt để tránh làm cản trở khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Các công ty cũng tranh luận rằng nhiều công nghệ mới nổi, như máy học và máy tính lượng tử, đã được thiết lập tốt trong các công ty và trường đại học nghiên cứu ở nước ngoài và những hạn chế chặt chẽ có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển công nghệ và an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo ý kiến của Facebook, các hạn chế có thể làm tổn thương khả năng phát triển công nghệ của các công ty Mỹ và có nguy cơ cản trở đổi mới cũng như việc giữ chân các nhà nghiên cứu hàng đầu ở lại Mỹ.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không chỉ áp dụng đối với Trung Quốc mà còn cho Nga và các quốc gia khác. Nhưng chính những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khai thác các công nghệ tiên tiến đã thúc đẩy sự phản đối của lưỡng đảng ở Washington.
Là một phần của chương trình Made in China 2025, Trung Quốc đã đưa ra các kế hoạch thống trị các ngành công nghiệp tương lai, như xe hơi không người lái và y sinh. Trong một số lĩnh vực của công nghệ tiên tiến, giờ đây Trung Quốc ngang tầm với Mỹ, và vũ khí ngày càng trở nên tối tân.
Một số công nghệ đã được phát triển trong nước hoặc đầu tư hợp pháp. Nhưng một số khác đã bị đánh cắp hoặc ép buộc thông qua các cuộc tấn công mạng, gián điệp hoặc thực hành kinh tế không công bằng, các quan chức Mỹ nói.
Sự nghi ngờ ngày càng tăng làm nảy sinh một loạt các chính sách nhằm xem xét kỹ lưỡng hơn về tiền và công nghệ đang chảy giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đã tăng cường đánh giá những khoản đầu tư của Trung Quốc có thể là mối đe dọa an ninh và đưa vào danh sách đen hàng chục công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông Huawei, từ việc mua công nghệ Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Ông Trump cũng đã áp thuế đối với hơn 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn và các bộ phận máy bay. Các động thái, được thực hiện đồng thời, nhằm mục đích tháo gỡ một số kết nối kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc - một quá trình mà nhiều người ở Washington gọi là tách rời.
Những người ủng hộ việc hạn chế quan hệ kinh tế với Trung Quốc nói rằng chính sách cam kết trước đây đã thất bại trong việc kiềm chế tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc, và thiết lập các rào cản là cách tốt nhất để bảo vệ Mỹ. Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực nhằm tách biệt hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và công nghệ của họ có thể gây ra hậu quả khôn lường, không chỉ cho các doanh nghiệp mà cả thế giới nói chung.
Các quan chức thừa nhận những khó khăn trong việc kiểm soát các mối đe dọa an ninh quốc gia đến từ những công nghệ tiên tiến mà không làm Mỹ mất đi vị trí một trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới.
Nỗ lực của chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu, chủ yếu là do khối lượng công việc lớn và thiếu nguồn lực. Cục Công nghiệp và An ninh đang nỗ lực để đưa ra các quy định phù hợp nhằm tăng cường an ninh và sẽ công bố các đề xuất kiểm soát công nghệ cụ thể vào tháng tới.
Dự kiến sẽ có 2 danh sách các công nghệ không thể xuất khẩu, hoặc chia sẻ với công dân nước ngoài, ngay cả trên đất Mỹ. Danh sách đầu tiên, tập trung vào các công nghệ mới nổi hoặc mới hoàn toàn. Danh sách thứ hai sẽ bao gồm những phiên bản cập nhật của các công nghệ nền tảng đã được sử dụng rộng rãi, như chất bán dẫn.
Nhiệm vụ hiện tại được thực hiện phức tạp hơn vì Mỹ không còn là nhà tiên phong trong nhiều công nghệ. Châu Âu hiện dẫn đầu trong một số loại in 3D. Trung Quốc đang có những bước tiến vượt bậc về chỉnh sửa gen. Việc dân chủ hóa công nghệ tạo ra tiềm năng cho bất kỳ ai ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể chế tạo vũ khí sinh học hoặc máy in 3D ngay trong tầng hầm của mình.
Những công nghệ tiên tiến là một lợi thế lớn cho Mỹ - và cả đối thủ của Mỹ, theo ông Riz Ramakdawala, một kỹ sư hàng không vũ trụ cao cấp của Cơ quan An ninh Công nghệ Quốc phòng.
Vậy mức độ kiểm soát như thế nào là phù hợp?
Cuối những năm 1990, Mỹ đã hạn chế chặt chẽ việc xuất khẩu công nghệ vệ tinh nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhưng nỗ lực đã phản tác dụng. Những hạn chế làm tê liệt khả năng vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài, các công ty như Boeing, Maxar Technologies và Lockheed Martin đã chuyển sản xuất vệ tinh ra khỏi Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Thương mại, các công ty cho biết biện pháp kiểm soát đã làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Mỹ trong ngành hàng không vũ trụ và dẫn đến thua lỗ từ 1 tỷ đến 2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2012.