Mỹ-Trung “kẹt” trong cuộc chiến thương mại không hồi kết
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng chìm sâu trong cuộc chiến chiến tranh thương mại, được các nhà kinh tế học coi là "vũng lầy" và sẽ để lại rất nhiều hậu quả khôn lường cho cả hai bên.
Không đường lùi
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo Washington đã bắt đầu đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9, mức thuế này sẽ tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019. Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức khi công bố áp thuế thêm 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, qua đó đẩy căng thẳng giữa hai nước lên một mức độ cao hơn.
Phớt lờ mọi cảnh báo từ những nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump quyết tâm áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc như một hành động trừng phạt, khi người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ và áp dụng nhiều chính sách thương mại không công bằng với Mỹ.
Trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục hôm 13/9, Trump tuyên bố trước các cố vấn rằng nếu Mỹ không thực hiện lời đe dọa áp thuế mà ông đưa ra vài tháng trước, Trung Quốc sẽ coi đó là dấu hiệu của sự đầu hàng.
Ở bờ bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình chủ động trả đũa với nhiều lần đánh thuế ngược lại lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và đưa ra loạt biện pháp nhằm giảm tác động của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế, cho thấy Bắc Kinh cũng đã sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài.
Thậm chí, một bộ phận chuyên gia Trung Quốc còn nhận định căng thẳng thương mại là cơ hội tốt để phát triển thị trường nội địa, hạn chế lệ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Trong một phát ngôn từ giới chức, Phó chủ tịch Ủy ban Phát triển và cải cách Trung Quốc ông Lian Weiliang cho biết: “Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát hệ quả tới từ chiến tranh thương mại, và sẽ tận dụng điều này để thúc đẩy nền kinh tế trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài”.
Đàm phán đình trệ
Ngày 19/9, ngay sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc công bố kế hoạch trả đũa, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự tức giận của mình lên Twitter: "Trung Quốc đã công khai cho thấy rằng họ đang cố tác động và làm thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta bằng cách tấn công những nông dân, người chăn nuôi và công nhân Mỹ vì lòng trung thành của họ đối với tôi”.
Dòng Tweet này không được Bắc Kinh tiếp nhận một cách tích cực.
Hôm thứ Bảy tuần trước, Bắc Kinh thông báo hủy chuyến thăm Washington của đoàn đàm phán Trung Quốc vốn dự kiến diễn ra từ ngày 27-28/9 với sự dẫn đầu của phó Thủ tướng Lưu Hạc, trong khi cuộc thảo luận trước đó vào tháng Tám không mang lại kết quả. Theo nguồn tin từ Bloomberg, chính quyền ông Tập Cận Bình tin rằng đàm phán chỉ có cơ hội thành công sau kì bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.
“Việc nối lại đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ”, Phó bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Wang Shouwen nói với phóng viên Bloomberg hôm thứ Năm tuần trước, “Mỹ chính là bên cản trở việc hoà giải, và chúng tôi sẽ không đàm phán với con dao kề cạnh cổ”.
“Bắc Kinh luôn sẵn sàng nhưng việc đàm phán phải được diễn ra với sự tôn trọng chung từ hai phía” Tân Hoa Xã trích lời quan chức Chính phủ Trung Quốc. “Đàm phán không thể được tiến hành dưới những lời đe doạ đánh thuế”.
Chưa có giải pháp lớn được đưa ra kể từ cuộc gặp mặt cấp cao hồi tháng Năm vừa qua. Tuy nhiên theo đại diện truyền thông của Nhà Trắng Lindsay Walters, Mỹ vẫn đang hy vọng việc đàm phán có thể sớm diễn ra.
“Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có một mối quan hệ hữu hảo và hai bên không ngừng liên lạc kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền”, Walters phát biểu. “Chúng tôi vẫn muốn tiếp tục thảo luận với Trung Quốc nhưng với điều kiện họ phải cam kết từ bỏ chính sách thương mại bất bình đẳng”.