Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ lo lắng về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Mỹ tái áp trừng phạt lên Iran, lãnh đạo nhiều quốc gia có mặt tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hiệp quốc đang diễn ra ở New York đã bày tỏ lo ngại ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo tin từ Bloomberg, lãnh đạo từ các nước Mỹ Latin, châu Phi và châu Á đã nói về mối lo xung quanh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào ngày thứ Hai, Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, Bắc Kinh đã hủy kế hoạch cử phái đoàn sang Washington đàm phán thương mại trong tuần này như dự kiến trước đó.
Cùng ngày, Trung Quốc công bố một cuốn sách trắng về cuộc chiến thương mại song phương, nói rằng "cánh cửa đàm phán thương mại luôn mở, nhưng đàm phán chỉ có thể diễn ra trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau". Cuốn sách trắng được hãng thông tấn Tân Hoa Xã trích dẫn cũng nói đàm phán "không thể được tiến hành trong sự đe dọa thuế quan".
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters cũng nói Mỹ vẫn sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với thái độ cứng rắn, nhất quyết không nhượng bộ của hai bên hiện nay, đàm phán khó sớm được nối lại, mà nếu diễn ra cũng khó đạt kết quả thực chất. Nhiều khả năng, phải qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 thì tình hình mới có thể có chuyển biến.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng không chỉ còn là những lời cảnh báo "suông" nữa, chiến tranh thương mại đang trở thành hành động gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu. "Chiến tranh thương mại giờ là thực tế", chuyên gia kinh tế trưởng Brian Coulton của Fitch nói.
Với cảnh báo trên, Fitch cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 còn 3,1%, từ mức 3,2% trước đó.
Quan điểm bi quan đã được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York.
"Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang đe dọa hệ thống thương mại đa phương", ông Ramaphosa nói ngày 24/9. "Chúng ta cần tăng cường hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các nguyên tắc và thúc đẩy cải tổ các định chế đa phương và cấu trúc quản trị toàn cầu cho phù hợp với thực tế của thế kỷ 21".
Vấn đề thương mại vốn thường ít được đề cập đến tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nơi tập trung gần 200 nhà lãnh đạo của thế giới. Diễn đàn này tập trung chủ yếu vào các vấn đề chính trị và các cuộc khủng hoảng toàn cầu như nội chiến Syria hay khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Tuy nhiên, tại kỳ họp Đại hội đồng năm nay, vấn đề thương mại đã nổi lên thành một chủ đề được bàn nhiều.
Hồi tháng 7, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ hao hụt 0,5% trong 2 năm nếu Mỹ thực thi tất cả những lời cảnh báo về áp thuế và các quốc gia khác trả đũa Mỹ.
Tổng thống Mauricio Macri của Argentina nói với Bloomberg rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung là một trong những nhân tố khiến các thị trường mới nổi gặp khó trong năm nay, trong đó có thị trường Argentina.
Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc thì nói rằng cuộc chiến thương mại này có thể kéo dài hàng thập kỷ, bởi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đánh giá sai về nhau.
Tuy nhiên, tất cả không phải đều là tin xấu. Vào ngày thứ Hai, một ngày trước khi có bài phát biểu trước Đại hội đồng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại song phương với Hàn Quốc.
Đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên mà ông Trump đạt được kể từ khi lên cầm quyền, làm dấy lên một số tia hy vọng mới cho việc đạt thỏa thuận cải tổ Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), hoặc thậm chí là một thỏa thuận để xuống thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.