Mỹ và Trung Quốc lún sâu vào cuộc xung đột công nghệ

Theo bnews.vn

Một số người cho rằng Bloomberg đưa ra một nguồn tin quan trọng và các công ty công nghệ liên quan có đủ lý do để phủ nhận cáo buộc "có thể hủy hoại danh tiếng và làm đổ gẫy" chuỗi cung ứng của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuần báo kinh doanh Bloomberg đăng tải câu chuyện các tập đoàn công nghệ Mỹ đã sử dụng các từ “quả bom”, “phát nổ” để đề cập việc Trung Quốc gắn “chip” gián điệp trong các thiết bị điện tử, cho rằng những mô tả này có thể đã bị nói quá lên nhưng hoàn toàn phù hợp. Thậm chí ngay cả khi câu chuyện bị cho là “bịa đặt” thì nó vẫn gây ra những tác động có mục đích.

Trong bài phân tích vừa được đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nhà nghiên cứu cao cấp Samm Sacks thuộc Chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ nhận xét rằng ngay khi câu chuyện trên được công bố, cộng đồng an ninh thông tin của Mỹ đã liên tục có những cuộc tranh luận sôi nổi.

Tuy nhiên, phát ngôn của các công ty này dường như chỉ mang tính chất "chối bỏ và phản bác", không có sự tham gia của các luật sư hay các chuyên gia quan hệ công chúng. Giáo sư David Vladeck tại Georgetown, cựu Giám đốc Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thuộc Cục bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng: “Các công ty có thể gặp rủi ro nếu FTC thực thi việc điều tra liên quan tới các hành động lừa đảo, gây hại tới người tiêu dùng”.

Trong khi đó, Bộ An ninh nội địa và Trung tâm kiểm soát an ninh mạng quốc gia Anh đều đưa ra các tuyên bố ủng hộ quan điểm của các công ty công nghệ. Vấn đề là nguồn thông tin cần thiết để các chuyên gia bảo mật xác nhận câu chuyện của Bloomberg sẽ không được công bố trong thời gian tới. 

Những thông tin này sẽ có thể hữu ích, ví dụ, để biết kết quả điều tra của một công ty an ninh thuộc bên thứ ba hoặc kết quả điều tra bởi Đội phản ứng nhanh an ninh mạng máy tính của Mỹ (US - CERT).

Đã có sự kiểm tra và xử lý nào được hoàn thành? Có thể quốc hội sẽ tổ chức một phiên điều trần, nhưng cho tới khi đó, nguồn dữ liệu cần thiết để công chúng có thể hiểu được toàn cảnh bức tranh này vẫn còn thiếu.

Bất kể câu chuyện này chính xác hay không (câu trả lời có thể nằm ở đâu đó giữa đúng và sai) nhưng sự tổn hại rõ ràng đã xảy ra. Thứ nhất, câu chuyện của Bloomberg xuất hiện cùng ngày với bài phát biểu mang tính chất “quả bom” của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson ở thủ đô Washington hôm 4/10 vừa qua. 

Ông Pence khẳng định chính quyền Donald Trump có kế hoạch cắt đứt mối quan hệ kinh tế và công nghiệp với Trung Quốc. Các nhà học thuyết âm mưu thậm chí lập luận rằng phóng viên của Bloomberg đã hỗ trợ chính quyền Trump đẩy nhanh những thứ được gọi là “sự cách ly” hoặc “sự tháo rời” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, nếu câu chuyện của Bloomberg xảy ra chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với những tuyên bố của Chính phủ Trump thì nó cũng đã góp phần thúc đẩy nỗ lực kéo dài trong suốt thời gian qua để loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ.

Nó xuất hiện vừa khớp với những tin đồn trong một thời gian dài về những đe dọa tồn tại đến nền an ninh quốc gia Mỹ, liên quan tới các công ty truyền thông Trung Quốc, như Huawei và ZTE.

Như Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc, đã giải thích trong một loạt dòng tweet của ông rằng: “Việc đó sẽ chấm dứt những tham vọng Trung Quốc về mục tiêu phát triển nền công nghiệp vi mạch. Sẽ không có thị trường cho quốc gia này. Trung Quốc không đủ lớn”. 

Theo ông Guajardo, câu chuyện này mang lại cho Mỹ lợi thế lớn hơn trong việc thuyết phục các đồng minh cũng như các nước không phải đồng minh trên khắp thế giới trong việc quyết định nâng cấp mạng viễn thông 5G như thế nào.

Đây có thể là một cú đòn giáng mạnh vào Huawei. Không quốc gia nào tin tưởng công ty này và Huawei thậm chí đã bị cấm tham gia mạng 5G tại Australia.

Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp Mỹ, câu chuyện đã đưa tới một sự thay đổi cơ bản trong suy nghĩ về sự cân bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sẽ có ít sự thỏa hiệp cho các rủi ro đi kèm với tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn. Sẽ cần thêm sự minh bạch và kiểm soát đối với các quyết định tìm kiếm nguồn cung ứng. 

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và công nghiệp Mỹ đã tỏ ra lo ngại về những rủi ro trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được sản xuất tại Trung Quốc.

Và đây sẽ là một bài học điển hình. Hơn nữa, thậm chí nếu câu chuyện của Bloomberg chỉ là "sự thêu dệt" thì cách tiếp cận trong việc mô tả của nó vẫn phù hợp với các tuyên bố công khai của quân đội Trung Quốc trong một thời gian dài.

Câu hỏi còn lại là điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ “tách rời” khỏi Trung Quốc? Nhà báo Paul Mozur của New York Times đã chỉ ra rằng: “Sẽ không dễ dàng. Họ đang làm một việc chống lại quá trình hội nhập kinh tế đã kéo dài 40 năm và một mạng lưới khổng lồ và phức tạp của các công ty lớn, nhỏ”. 

Trung Quốc là một thị trường khổng lồ và là khu vực sản xuất của các công ty Mỹ. Bất kể sự lựa chọn mới là gì thì quá trình sản xuất của các công ty Mỹ sẽ đối diện với sự tốn kém và phức tạp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói và gia công.

Một tuần sau bài phát biểu của ông Pence và câu chuyện của Bloomberg, hàng loạt tin tức tiêu cực về Trung Quốc đã xuất hiện hàng ngày.

Một báo cáo của Nhà Trắng đã dẫn chứng việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ sử dụng kép là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo bắt giữ một viên chức tình báo của Trung Quốc vì hoạt động gián điệp nhằm vào công nghệ hàng không của Mỹ.

Tác giả Samm Sacks đi đến kết luận rằng, tất cả những điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột công nghệ và không gian mạng với phạm vi của cuộc xung đột này đã vượt ra khỏi câu chuyện nói trên.