5 rào cản lớn cho một thỏa thuận thương mại tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc
Các chuyên gia quốc tế nhận định có 5 điểm mấu chốt ngăn cản ông Donald Trump và Tập Cận Bình có được một thỏa thuận thương mại mà cả hai bên đều cảm thấy hài lòng.
Ngày 16/8 cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã xác nhận rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào cuối tháng này. Phía Trung Quốc cũng đã khẳng định điều này.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để xung đột thương mại này không phải là một vấn đề dễ dàng. Từ những phàn nàn về vấn đề thậm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với Trung Quốc của ông Trump cho tới những lo ngại của người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình về những nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, có rất nhiều vấn đề gây chia rẽ lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, theo nhận định của Bloomberg.
Hãng tin này cho rằng có 5 điểm mấu chốt được các nhà ngoại giao, giới doanh nghiệp và các nhà đàm phán thương mại đề cập nhiều lần trong quá trình tìm kiếm giải pháp để chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Vấn đề là ở chỗ để giải quyết bất kỳ một điểm nào trong số đó thì Trung Quốc cũng bắt buộc phải xem xét lại mô hình phát triển đã làm cho đất nước này trở nên thịnh vượng.
1. Chuyển giao công nghệ
Phía Mỹ phản đối yêu cầu của Trung Quốc về việc các công ty nước ngoài phải liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ chế tạo xe hơi cho tới hàng không vũ trụ và buộc các công ty nước ngoài này phải chuyển giao công nghệ lại cho đối tác địa phương. Chính quyền của ông Trump đã viện dẫn những quan ngại về sở hữu trí tuệ này để đề xuất áp thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, sử dụng Điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.
Trong khi đó phía Trung Quốc bác bỏ việc nước này bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho phía đối tác Trung Quốc, viện dẫn rằng điều khoản liên doanh là cần thiết để nước này rút ngắn khoảng cách về mặt công nghệ với các nước phương Tây. Trung Quốc cũng cho rằng điều này là phù hợp với điều khoản gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 của nước này với tư cách là một nước đang phát triển.
“Đôi khi chuyển giao công nghệ là sự thỏa thuận giữa các bên để mua bán công nghệ theo giá thị trường”, Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc và giờ đây là Phó giám đốc điều hành Trung giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc.
2. Dư thừa sản lượng
Mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và tín dụng dễ dàng từ các ngân hàng quốc doanh đã giúp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong thời kỳ bùng nổ kinh tế kéo dài nhiều thập niên của nước này. Các doanh nghiệp công nghiệp này chậm trễ trong việc cắt giảm sản lượng dư thừa, làm tràn ngập thị trường thế giới bằng sản phẩm của họ và gây áp lực lên công ăn việc làm tại các nước khác. Năm ngoái chỉ riêng sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc đã bằng cả sản lượng của Pháp và Đức cộng lại.
Trung Quốc là một trong những đối tượng chính của thuế quan mà Mỹ áp đặt lên sản phẩm nhôm và thép, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 232 của Đạo luật Thương mại Mỹ. Trong khi đó hiện Trung Quốc đang cắt giảm sản lượng theo chương trình tái cấu trúc nguồn cung của ông Tập Cận Bình, nhưng nếu điều này diễn ra nhanh như phía Mỹ muốn thì có nguy cơ một số lượng lớn người lao động Trung Quốc sẽ mất việc làm, điều này sẽ gây bất ổn xã hội tại Trung Quốc.
3. Cải cách doanh nghiệp nhà nước
Mặc dù Trung Quốc sử dụng các lực lượng thị trường tư bản chủ nghĩa để phát triển kinh tế nhưng chính quyền nước này không từ bỏ sự kiểm soát đối với các công cụ sản xuất. Các doanh nghiệp quốc doanh vẫn nắm giữ khoảng 40% tài sản công nghiệp của nước này, bao gồm cả một số ngân hàng vào loại lớn nhất thế giới. Trung Quốc tỏ ra không hào hứng với việc cải cách thị trường và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, điều mà chính quyền của ông Trump muốn thúc đẩy.
Trên thực tế, làm cho các doanh nghiệp nhà nước lớn và mạnh là chiến lược chủ chốt của ông Tập Cận Bình để giúp tăng sức ảnh hưởng về mặt kinh tế của Trung Quốc và hàng loạt vụ sáp nhập đã diễn ra, thay thế độc quyền nhóm nhà nước bằng độc quyền nhà nước. Việc giảm số lượng doanh nghiệp bằng cách này sẽ làm mất đi một công cụ mạnh để kiểm soát nền kinh tế và kiểm soát rủi ro. “Nếu không có doanh nghiệp quốc doanh thì Trung Quốc không còn có thể tự xưng là một nước xã hội chủ nghĩa nữa”, ông Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
4. Chính sách công nghiệp
Một di sản khác là gốc rễ của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc là chính sách công nghiệp kế hoạch hóa tập trung. Chính sách này hướng các nguồn lực to lớn của quốc gia vào các mục tiêu chiến lược. Phần lớn kế hoạch của ông Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc thành một siêu cường được dựa trên hàng loạt các chính sách lớn, chẳng hạn như chương trình “Made in China 2025”. Trong chương trình này trợ cấp của chính phủ được rót trực tiếp cho 10 ngành công nghiệp chủ chốt, trong đó có hàng không, ô tô dùng năng lượng mới và công nghệ sinh học.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gọi chương trình này là một cuộc tấn công vào “nhân tài Mỹ” vì nó tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc trong việc cạnh tranh với các tập đoàn công nghiệp và công nghệ Mỹ như Boeing, Intel v.v...Thế nhưng các quan chức Trung Quốc thì lại cho rằng họ coi đây là cách để Trung Quốc có thể bước lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
5. Điện toán đám mây
Internet là một thách thức lớn đối với chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát gần 1,4 tỷ dân của nước này, do đó chính quyền nước này đã đưa ra một bộ luật an ninh mạng hết sức chặt nhằm kiểm soát luồng thông tin vào và ra khỏi biên giới của mình. Các công ty Mỹ hết sức phàn nàn về bộ luật này, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Năm ngoái chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các dữ liệu của Trung Quốc phải được lưu trữ bên trong quốc gia này, họ cũng cấm các công ty nước ngoài sở hữu và vận hành các trung tâm dữ liệu của riêng mình ở Trung Quốc, với lý do là để bảo vệ sự riêng tư và quyền sở hữu trí tuệ. Giờ đây phía Mỹ muốn Trung Quốc phải dỡ bỏ hạn chế này, bởi Mỹ cho rằng qui định này sẽ cản trở các tập đoàn công nghệ của họ như Alphabet Inc của Google, Apple và Amazon có được thị phần một cách công bằng tại thị trường internet lớn nhất thế giới này.