Thách thức đối với các công ty công nghệ trước những căng thẳng thương mại

Theo Mai Ly/bnews.vn

Các nhà lập pháp Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng các thiết bị của Huawei có thể được dùng để hỗ trợ hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hãng tin Reuters đưa tin tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc đang đối mặt với sự giám sát ngày càng nghiêm ngặt ở Anh vì sử dụng phần mềm do một công ty có trụ sở tại Mỹ sản xuất.
 
Thực tế hiện nay cho thấy các cuộc chiến thương mại và mối quan ngại ngày càng lớn về an ninh quốc gia đang đặt ra những thách thức đối với các công ty công nghệ và chính phủ trong việc nỗ lực bảo vệ sản phẩm và mạng lưới truyền thông của mình.
 
Một ủy ban thuộc Chính phủ Anh phụ trách việc giám sát và phân tích các thiết bị của Huawei tháng trước công bố báo cáo cho biết họ đã tìm thấy những “nhược điểm” về kỹ thuật và chuỗi cung ứng – vấn đề có thể dẫn tới những rủi ro bảo mật mới đối với các mạng viễn thông của nước này.
 
Nguồn tin giấu tên cho biết, Huawei đang sử dụng hệ điều hành VxWorks, do công ty phát triển phần mềm Wind River Systems có trụ sở tại California (Mỹ) sản xuất.

Cụ thể, phiên bản VxWorks đang được Huawei sử dụng sẽ ngừng nhận các bản vá bảo mật và cập nhật từ Wind River vào năm 2020, mặc dù một số sản phẩm chạy hệ điều hành này vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Điều này làm tăng nguy cơ bị tấn công của các mạng viễn thông tại Anh.
 
Báo cáo chính thức, không trực tiếp đề cập đến VxWorks, song cho biết "một phần mềm của bên thứ ba”, bao gồm các cấu thành quan trọng về bảo mật, chạy trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau sẽ ngừng nhận được sự hỗ trợ hiện tại vào năm 2020, mặc dù thời hạn sử dụng các thiết bị của Huawei (có chạy phần mềm này) thường dài hơn.
 
Báo cáo được phát hành sau khi các nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức an ninh cấp cao của Anh cho biết họ hiện chỉ có thể đảm bảo rằng các hoạt động của Huawei không đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này. 

Đại diện của Wind River Systems không bình luận về Huawei, song cho biết công ty thường xuyên khuyến nghị khách hàng nâng cấp phiên bản phần mềm mới.
 
Đại diện phía Huawei cũng từ chối bình luận cụ thể về các vấn đề được nêu trong báo cáo nhưng cho biết công ty sẽ nỗ lực cải thiện bất kỳ khiếm khuyết nào mà chính quyền Anh chỉ ra. "An ninh mạng vẫn là ưu tiên hàng đầu của Huawei, và chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực cải tiến các quy trình kỹ thuật và hệ thống quản lý rủi ro của công ty", ông nói.
 
Các nhà lập pháp Mỹ và Australia cho rằng các sản phẩm của Huawei có thể được sử dụng để tạo thuận lợi cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc, một cáo buộc mà nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới đã nhiều lần phủ nhận. 

Tập đoàn quốc doanh Trung Quốc này gần như đã bị đóng cửa tại Mỹ do các lo ngại về an ninh quốc gia, đồng thời cũng bị cấm tham gia lĩnh vực công nghệ Internet không dây thế hệ 5 (gọi tắt là 5G) ở Mỹ trong tương lai.
 
Theo các nguồn tin, Huawei được hưởng lợi từ các hợp đồng lớn của nhà nước Trung Quốc, được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ và tài trợ trực tiếp để giúp Bắc Kinh hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu nhằm phục vụ Sáng kiến "Vành đai và Con đường". 

Vì thế, trong thời gian qua, Huawei không ngừng nỗ lực phát triển công nghệ 5G, dự kiến được đưa vào triển khai từ năm 2020 với tốc độ truyền tải dữ liệu rất lớn. Canada, Mỹ, Anh, Australia và New Zealand là 5 thành viên của mạng lưới tình báo Five Eyes, đã nhất trí sẽ không phụ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei với lý do mà các nước này đưa ra là các công ty quốc doanh Trung Quốc sẽ phải làm việc cho các cơ quan tình báo Trung Quốc nếu được yêu cầu.
 
Trong khi Mỹ và Australia đã tiến hành hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei do quan ngại về an ninh quốc gia, “người khổng lồ” công nghệ truyền thông Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với Anh. Huawei cung cấp thiết bị băng thông rộng cho BT Group - công ty viễn thông lớn nhất của Anh, và thiết bị mạng di động cho một “ông lớn” khác trong ngành viễn thông là Vodafone Group.
 
Chuyên gia tư vấn Edward Amoroso, cựu giám đốc an ninh tại AT&T, cho biết những diễn biến gần đây cho thấy những thách thức trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng quốc tế. Theo ông Amoroso, không nên phủ nhận vai trò nhà cung cấp của Huawei chỉ vì vấn đề vị trí địa lý, dù vậy, quan ngại về sự phụ thuộc vào một phần mềm không có cập nhật liên tục là một mối quan tâm chính đáng.
 
Ngành công nghệ thông tin với tính chất “toàn cầu hóa” đang gặp phải nhiều rào cản khi nhiều quốc gia tìm cách hạn chế sử dụng thiết bị có xuất xứ từ các quốc gia khác mà họ coi là đối thủ. 

Tại Mỹ, Lầu Năm Góc đang thảo luận về một danh sách các phần mềm "không được mua" để chặn các nhà cung cấp sử dụng mã phần mềm có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc, và Moskva đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai luật lưu trữ dữ liệu mà không dựa vào công nghệ nước ngoài.
 
Ngược lại, London cho biết chính quyền nước này có thể giải quyết một cách hiệu quả mọi vấn đề an ninh tiềm tàng xuất phát từ việc sử dụng các thiết bị của Huawei trong các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Anh, bằng cách kiểm tra gắt gao sản phẩm của Huawei trong các phòng thí nghiệm đặc biệt. 

Công tác đánh giá và kiểm tra các thiết bị của Huawei để đảm bảo những sản phẩm này sẽ không có cổng sau hay cơ chế bí mật theo dõi thông tin, do Chính phủ Anh và các quan chức tình báo giám sát. Ngoài vấn đề với VxWorks, báo cáo mới công bố cũng trích dẫn các vấn đề kỹ thuật gây cản trở cơ quan chức năng trong việc kiểm tra các sản phẩm của Huawei.
 
Nhiều chuyên gia trong ngành an ninh mạng nói rằng những nỗ lực để loại trừ các thiết bị hoặc phần mềm dựa trên “quốc tịch” của chúng là vô ích vì tính chất phụ thuộc lẫn nhau của ngành công nghệ toàn cầu. Do đó, vừa tận dụng công nghệ nước ngoài, vừa bảo đảm an ninh quốc gia là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà các nhà hoạch định chính sách đang đau đầu tìm lời giải.