Năm 2015 - Hội nhập sâu gõ cửa
(Tài chính) 2014, nước ta đã ký, kết thúc và thúc đẩy đàm phán nhiều hiệp định thương mại với các đối tác kinh tế. Đây sẽ là những cánh cửa rộng lớn với nhiều cơ hội mới, nhưng phức tạp và thách thức hơn chờ đón doanh nghiệp nước ta. Nếu 2014 được coi là năm ký kết, kết thúc và thúc đẩy đàm phán, thì 2015 được dự báo sẽ là năm của hội nhập sâu rộng.
Từ chủ động mở cánh cửa hội nhập...
Có lẽ chưa bao giờ trong một năm nước ta lại ký kết và kết thúc đàm phán nhiều hiệp định hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại như 2014. Đặc biệt trong những tháng cuối 2014, Việt Nam đã lần lượt cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Theo kế hoạch, các hiệp định này sẽ được các bên tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật cũng như các thủ tục nội bộ cần thiết để có thể chính thức ký kết trong nửa đầu năm 2015.
Tuy còn một số rào cản song tiến độ đàm phán Hiệp định TPP trong năm qua đã có những bước tiến đáng kể và đang được đẩy mạnh. Sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực thì 2015 cũng là năm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). AEC ra đời được đánh giá sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế - an ninh - xã hội. Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập theo đúng tiến độ, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
Với thị trường 170 triệu dân, cùng những cam kết ưu đãi thuế quan, việc Việt Nam kết thúc đàm phán và chuẩn bị những bước cuối cùng để tham gia vào Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan sẽ tạo cơ hội vàng để các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lợi thế sang Nga, Belarus và Kazakhsta, nhất là những mặt hàng như nông sản, thủy sản, dệt may và da giày...
Những nỗ lực và kết quả cụ thể nêu trên là tiền đề cho thấy 2015 sẽ là năm của hội nhập và hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực cũng như thế giới.
Đương nhiên, không hoàn toàn giống như khi gia nhập WTO, mở cánh cửa, các doanh nghiệp sẽ gặp sân chơi ngay. Các hiệp định Việt Nam vừa kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký chính thức trong nửa đầu năm 2015 là các hiệp định FTA thế hệ mới toàn diện, gồm nhiều lĩnh vực, cơ hội mang lại nhiều hơn, nhưng khó khăn, thách thức cũng lớn hơn. Đây không phải là những cánh cửa mở sẵn chờ đón doanh nghiệp Việt mà ngược lại, nếu không chủ động, tích cực mở, thì những đối tác từ các nước ta ký kết hiệp định sẽ giành lợi thế của người chủ động. Và có lẽ câu chuyện cũng không còn đơn giản như mấy năm trước là sau khi ký kết chính thức, các doanh nghiệp sẽ có ngay một thị trường rộng lớn, mặc sức xuất khẩu hàng hóa mà thách thức là các doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Đơn cử, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, lần đầu tiên, củ tỏi, củ gừng, mật ong, tôm và một số mặt hàng hoa quả, hàng công nghiệp dệt may, cơ khí... sẽ đến với người tiêu dùng Hàn Quốc với thuế ưu đãi. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có cơ hội xuất khẩu vào Việt Nam các mặt hàng như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu nhựa, dệt may, điện gia dụng, sản phẩm sắt, thép, dây cáp điện...
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia hàng đầu về hội nhập kinh tế, trong một hội thảo cuối năm 2014 về những cơ hội, thách thức khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đã chỉ ra rằng, hội nhập đang gõ cửa từng doanh nghiệp. Điều này cho thấy sức ép hội nhập đã nước đến chân. Song thực tế thì dường như nhiều doanh nghiệp giờ mới nhảy - khi việc đàm phán các hiệp định đã đi những bước cuối cùng, chuẩn bị hoàn tất để ký chính thức. Một kết quả khảo sát cho thấy, 60 - 70% doanh nghiệp nước ta chưa nắm được gì về hội nhập - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cảnh báo - đây là những thách thức và không ít doanh nghiệp đã từng phải trả giá đắt 8 năm trước khi gia nhập WTO. Không lẽ nay lại lặp lại? Lẽ ra, để chuẩn bị đón đầu cơ hội từ các hiệp định này, các doanh nghiệp đã phải tìm hiểu ngay từ khi bắt đầu đàm phán và chủ động, tích cực tham gia mở cánh cửa hội nhập, thay vì để hội nhập gõ cửa.
Xuất phát từ tầm quan trọng của hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Chính phủ xác định là một trong 8 nhiệm vụ quan trọng của năm 2015.
Nhưng cấp vĩ mô tạo ra cơ chế, chính sách, quan trọng là các doanh nghiệp - những người hưởng lợi trực tiếp từ việc ký kết các hiệp định, phải tận dụng được cơ hội. Mọi việc có lẽ sẽ không dễ dàng nếu doanh nghiệp không chủ động. Giờ không phải là lúc doanh nghiệp dừng lại để tìm hiểu, suy nghĩ, mà có lẽ phải vừa chạy vừa tìm ra cho mình một cánh cửa, mà khi mở ra có thể mang lại cơ hội và lợi nhuận. Ví dụ theo TPP, nếu kết thúc đàm phán và đi đến ký kết, thì doanh nghiệp sẽ khó xuất khẩu hơn, vì các nước tham gia Hiệp định này có những quy định rất ngặt nghèo về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu nội khối, có những mặt hàng lên đến 80%, và nếu không đạt được tỷ lệ đó sẽ không xuất khẩu được vào các nước tham gia Hiệp định. Hay với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, không phải sau khi hình thành, sẽ chỉ có một chiều thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam là bước vào thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, mà còn có chiều ngược lại, các doanh nghiệp các nước ASEAN cũng sẽ tận dụng triệt để thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Tạm yên tâm với khoảng 70% số doanh nghiệp nước ta đang phát triển khá mạnh hệ thống bán lẻ, nhưng thách thức là có tới 30-40% hệ thống phân phối tại Việt Nam hiện do doanh nghiệp Thái Lan nắm giữ. Do vậy, nếu thiếu chủ động thì chắc chắn nguy cơ là doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
... đến thích ứng để vững vàng hội nhập
Chủ động để tận dụng được cơ hội và hội nhập sâu, bền vững không chỉ đơn thuần dừng ở việc tìm cơ hội từ bên ngoài mà doanh nghiệp cần thay đổi, cơ cấu lại chính mình để thích ứng với môi trường hội nhập mới. Và khi bàn về việc cần thay đổi để hội nhập, có thể thấy năm 2015 cũng còn khá nhiều việc cho các bộ, ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Khi hỏi về kinh tế 2015, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói: Chốt và hội nhập.
Và có thể hiểu, chốt ở đây không phải là đóng lại mà là chốt về một số vấn đề quan trọng của nền kinh tế, kết luận về những việc đã làm sau năm 2014 khá thành công với lạm phát thấp, với tăng trưởng kinh tế, với ổn định vĩ mô. Chốt ở đây cũng là để nói lên những gì còn phải làm, bởi năm 2015 là năm cuối cùng của 5 năm giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015.
2015 là năm để nhìn lại câu chuyện về tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Và ngay trong hệ thống tài chính ngân hàng, có ba vấn đề then chốt. Đó là tái cơ cấu nốt những ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém còn lại. Đó là tìm ra hướng xử lý hiệu quả hơn cho nợ xấu. Đó là khẩn trương lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng theo chuẩn quốc tế. Vì từ năm 2015, khi có điều kiện hội nhập sâu rộng hơn, chúng ta cần có những tổ chức tín dụng đủ mạnh để có thể cạnh tranh và vươn ra khu vực.
Nhìn lại năm 2014, kết quả tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đã khả quan hơn. Nếu xét về mặt con số doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thì tiến độ cổ phần hóa đã tăng trở lại sau nhiều năm trầm lắng. Đó là nhờ quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các bộ, ngành. Và vai trò của các đơn vị chủ quản mang tính quyết định đối với vấn đề tái cơ cấu. Khi bàn về thành công của tái cơ cấu, nhiều người nhắc đến thành công của ngành giao thông vận tải và ngân hàng. Và thực tế, dấu ấn của những người đứng đầu ngành rất quan trọng. Ví dụ trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến đầu năm nay đã giảm 7 tổ chức tín dụng. Năm 2015, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là một năm của sáp nhập các ngân hàng. Đạt được kết quả đó, là nhờ sự kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhiều quy định và trực tiếp đôn đốc. Theo NHNN, năm 2015 tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém được ngành ngân hàng chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, nếu các tổ chức tín dụng không tự tái cơ cấu được, thì NHNN sẽ áp dụng biện pháp mạnh, loại bỏ các ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, nhìn chung năm 2015, việc cổ phần hóa, tái cơ cấu của các ngành sẽ khá bận rộn. Bởi theo kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 và 2015, hiện còn đến 300 doanh nghiệp nhà nước nữa phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.
Và đặc biệt mô hình tăng trưởng kinh tế cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ từ năm 2015. Chúng ta kỳ vọng đổi mới tăng trưởng hướng vào chiều sâu (bằng công nghệ, bằng năng suất lao động…). Và chính tái cơ cấu nền kinh tế qua ba trụ cột đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước là cách tốt nhất để tái cơ cấu nền kinh tế, làm tiền đề quan trọng để thay đổi mô hình tăng trưởng. Năm 2015, năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) chúng ta phải xử lý dứt điểm để còn hoạch định chính sách, mô hình tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn tiếp theo, 2016 - 2020.
(Tiêu đề do BBT chỉnh lại)