Năm 2016, lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới?
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, để có được một chính sách điều hành nhằm bình ổn hoặc hạ lãi suất trong năm 2016 là một tổ hợp bài toán khó.
Thậm chí, lãi suất của nền kinh tế có thể có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ quý III/2016 đến cuối năm sau, với mức tăng kỳ vọng của lãi suất điều hành đến cuối năm 2016 từ 25 - 50 điểm phần trăm.
Dư địa giảm lãi suất “ngặt nghèo” hơn
Năm 2015 khép lại với nhiều điểm sáng về câu chuyện tăng trưởng tích cực, lạm phát thấp cũng như các chính sách điều hành tiền tệ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Diễn biến lãi suất trên thị trường nhờ đó cũng có xu hướng giảm so với đầu năm và thị trường tiền tệ ổn định với thanh khoản dồi dào. Tuy nhiên, năm 2016, để có được một chính sách điều hành lãi suất thích hợp trong bối cảnh các nhân tố bên trong cũng như bên ngoài đang tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất là một thách thức không nhỏ.
Trong bản báo có tiêu đề “Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần - có phải là lời đe dọa?”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng: “Chúng tôi đánh giá đáng kể nhất là sức ép đến từ tác động của việc gia tăng chi phí đi vay của Chính phủ và rủi ro mất cân bằng cung - cầu vốn tại mặt bằng lãi suất như hiện tại”.
Chia sẻ về cơ hội giảm lãi suất ngân hàng trong năm 2016, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho hay, trong năm 2016 này, không những lãi suất khó giảm, mà ngược lại chính CPI được dự báo sẽ tăng và cùng với 2 yếu tố khác đang tạo áp lực tăng lãi suất.
Theo đó, diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) lợi suất TPCP đang lên mạnh, tạo áp lực tăng lãi suất, nhất là lãi suất đầu vào của các ngân hàng. Chỉ số đo lường độ rủi ro của TPCP (CBS) cũng đang có xu hướng đi lên, lúc cao nhất lên tới 300 điểm, hiện vào thời điểm cuối năm 2015 khoảng 270 điểm. Điều này hàm ý, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu lo ngại rủi ro hơn.
Một yếu tố nữa tác động mạnh đến lãi suất theo ông Nghĩa là nợ xấu. “Chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh không có tiền, thiếu hệ thống pháp lý hỗ trợ mạnh. Xử lý nợ xấu làm từ từ, khiến tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng chi phí của ngành Ngân hàng tăng liên tục, từ khoảng 16% lên 23%. Nguyên nhân là để xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Điều này nói lên 2 chuyện: Khả năng chịu đựng rủi ro và nền tảng tài chính của các ngân hàng suy giảm. Bởi vậy, các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay khi mà chi phí hoạt động cao”, vị chuyên gia này nói.
Ngoài ra, theo VDSC, các yếu tố khác như nhu cầu tín dụng năm sau để tương xứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng cần quan tâm theo dõi.
Lãi suất nhích nhẹ dần từ quý III/2016?
Không như thời điểm trước khi hiệu ứng FED tăng lãi suất lên các nước khá đồng nhất, hiện tại chính sách điều hành tiền tệ của các nước châu Á cho thấy đang có một sự phân hóa rõ rệt. Trong dự báo gần đây của Ngân hàng Goldman Sachs, việc FED nâng lãi suất hầu như không tác động đến chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn ở châu Á trong năm 2016. Đối với triển vọng lãi suất của Việt Nam, VDSC cho rằng, điều này sẽ mang tác động thuận chiều lên chính sách tiền tệ của Việt Nam hơn là nghịch chiều. Tuy nhiên, độ trễ của tác động này lên nền kinh tế ít nhất cũng từ 6 tháng đến 1 năm, với kỳ vọng điều chỉnh có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2016 và mức tăng khoảng 25 - 50 điểm cơ bản.
“Đối với triển vọng lãi suất năm sau, cân nhắc những yếu tố quan trọng có thể khả năng tác động đến diễn biến lãi suất, năm 2016 lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới”, VDSC nhấn mạnh.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa còn cho hay, nếu để lãi suất tăng thêm 1 - 2%, thì sẽ xóa nhòa nhiều nỗ lực lâu nay của ngành Ngân hàng. Bởi vậy, NHNN đang kiên quyết tìm mọi cách để giữ lãi suất, nhưng làm được điều đó không dễ, bởi đó là quy luật của thị trường.
Để góp phần giải bài toán này, theo ông Nghĩa, phải có sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán. Hiện có 4 triệu tỷ đồng tín dụng, trong đó vốn trung và dài hạn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Do đó, nếu huy động qua thị trường chứng khoán tăng lên khoảng 400.000 tỷ đồng, thì sẽ giảm áp lực vốn trung và dài hạn đáng kể cho ngành Ngân hàng.