Kịch tính mới trên thị trường ngoại tệ
5 năm qua, thị trường ngoại hối diễn biến căng thẳng và kịch tính với hai nhân vật chính: vàng và ngoại tệ. Đến nay, “kíp nổ” vàng đã được tháo, song “trận chiến” tỷ giá còn tiếp diễn. Tuy nhiên, nhà điều hành đã sẵn sàng cho một kế sách đối phó mới.
Tháo “kíp nổ” vàng, cắt cơn nóng - lạnh của tỷ giá
Năm 2015 là một năm vô cùng ảm đạm với vàng. Không chỉ rớt giá thảm hại, mà chưa bao giờ, sự lấp lánh của vàng lại kém hấp dẫn như thế trong mắt các nhà đầu tư.
Điều này khác hẳn so với thị trường vàng cách đây hơn 4 năm – vốn được giới chuyên gia miêu tả bằng hai từ: hỗn loạn. Khi đó, thị trường ngoại tệ, thậm chí cả nền kinh tế nhiều phen rơi vào nóng, lạnh theo nhịp độ của sóng vàng.
Thế nhưng, với những quyết sách táo bạo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “thổi bay” vàng khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển quan hệ huy động - cho vay vàng sang quan hệ mua - bán, đồng thời đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền quốc gia…
“Những chính sách về vàng đã khiến thị trường này đi vào ổn định, tự điều tiết theo quy luật cung - cầu, không còn các cơn sốt vàng gây bất ổn kinh tế. Việc loại bỏ vàng khỏi hệ thống ngân hàng đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến biến động giá vàng tới nền kinh tế, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng”, PGS-TS Đặng Ngọc Đức nhận xét.
Trong khi đó, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, một trong những thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ 5 năm qua là đã tháo được “kíp nổ” vàng, loại bỏ vàng ra khỏi nền kinh tế - việc mà nhiều đời Thống đốc không dám làm.
Song song với việc dẹp loạn thị trường vàng, thị trường tỷ giá cũng không còn những cơn sốt nóng khi nhà điều hành đưa ra cam kết tỷ giá hàng năm. Mỗi năm, NHNN chủ động công bố định hướng điều chỉnh tỷ giá dao động 1 - 3%.
“Nếu trước đây, tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý các nhà đầu tư, thì từ cuối năm 2011 đến nay, điều hành tỷ giá luôn nằm trong định hướng, chỉ đạo của NHNN. Chính sách tỷ giá ổn định đã góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, giúp kinh tế vĩ mô được ổn định”, PGS-TS Đặng Ngọc Đức nhận xét.
Biến hóa với chính sách điều hành tỷ giá
Sau gần 5 năm bình lặng, sóng gió đã trở lại với tỷ giá vào giữa năm 2015. Khi đó, nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và cam kết tỷ giá của NHNN đã bị phá vỡ. Dư địa để duy trì chính sách tỷ giá ổn định đã cạn dần.
Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng năm 2015, lãnh đạo NHNN bất ngờ ra thông báo, NHNN sẽ thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá. Tuy thông báo có vẻ bất ngờ, song việc chuẩn bị cho cơ chế mới đã được NHNN tiến hành từ lâu.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cơ chế tỷ giá mới linh hoạt hơn, tỷ giá trung tâm có thể sẽ biến động theo ngày. Đồng thời, NHNN cũng có thể thực hiện chính sách lãi suất âm đối với huy động USD (gửi tiền bằng USD có thể mất phí).
Trong khi đó, một chuyên gia tham dự buổi tọa đàm lấy ý kiến tham vấn của NHNN cho hay, ông và các chuyên gia đánh giá rất cao cách thức điều hành tỷ giá mới mà NHNN vừa triển khai. “Cơ chế tỷ giá mới này rất linh hoạt, lên xuống thường xuyên, bám sát diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước và quốc tế, nhất là những thị trường có quan hệ đầu tư, thương mại lớn với Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc…”.
Theo chuyên gia này, cơ chế tỷ giá năm 2016 thay đổi theo ngày, nhưng trong phạm vi hẹp, do đó sẽ không có chuyện tỷ giá biến động mạnh như cách làm của Trung Quốc.
Không chỉ có thay đổi tỷ giá trung tâm, NHNN cũng sẽ thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa NHNN với các ngân hàng thương mại, giống như nhiều nước trên thế giới đã làm. Đây là công cụ điều hành mới, vừa giúp NHNN can thiệp thị trường tốt hơn, vừa giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ trong nước.
“Nếu coi tỷ giá là một cuộc chiến thì có thể nói, NHNN đang thay đổi toàn bộ cách thức bày binh bố trận”, chuyên gia này nhận xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, NHNN đang chuyển tách chức năng tiền tệ và tín dụng ra khỏi đồng ngoại tệ, giống như đã làm với vàng và đây là hướng đi đúng đắn.
"Chính sách ngoại hối và chính sách tiền tệ ở Việt Nam rất nhạy cảm, không phải tất cả các nhà lãnh đạo cũng như người dân và doanh nghiệp đều đồng tình ngay với các chính sách mới. NHNN gần đây đã đi từng bước chắc chắn, như lội qua một con sông có nước chảy xiết. Chính sách này giống như đặt thêm một bước nữa lên tảng đá tiếp theo trên lòng sông. Tôi ủng hộ bước tiến này và mong muốn chúng ta sớm sang được bên kia sông", TS. Thành nhận xét.