Tỷ giá trung tâm đã tăng 17 đồng
Tỷ giá trung tâm của VND so với USD vào sáng 6-1 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 21.907 VND/USD. Mặc dù không đổi so với ngày 5-1, nhưng đã tăng 17 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây.
Như vậy, với biên độ ±3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được áp dụng cho ngày 6-1 là 22.564 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.249 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, trong 3 ngày kể từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới, giá USD đã có sự biến động nhẹ, nhưng phần lớn đều giảm nhẹ từ 20-40 đồng cả 2 chiều mua vào- bán ra.
Tính đến thời điểm 10 giờ sáng 6-1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá USD ở mức 22.440-22.510 VND/USD chiều mua vào- bán ra, giảm 30 đồng ở cả 2 chiều so với cùng thời điểm ngày 5-1 và ngày đầu tiên áp dụng tỷ giá trung tâm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỷ giá USD và VND cũng có xu hướng giảm khi niêm yết ở mức 22.440-22.510 VND/USD chiều mua vào- bán ra, giảm 20 đồng so với 2 ngày trước đó.
Cùng mức giá chiều mua vào, nhưng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), giá đồng bạc xanh mệnh giá từ 50USD trở lên ở chiều bán ra cao hơn 5 đồng với mức 22.545 VND/USD. Không thay đổi so với ngày 5-1 và ngày đầu tiên áp dụng tỷ giá trung tâm.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá chiều bán ra ở mức thấp nhất với 22.500 VND/USD.
Theo đánh giá của ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khi trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo công bố chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN ngày 4-1, chính sách tỷ giá mới đã được rục rịch từ trước, nên tâm lý thị trường trong ngày đầu tiên vận hành hết sức đón nhận với tinh thần tích cực, lượng ngoại tệ và thanh khoản thông suốt, tỷ giá đều ở trong biên độ cho phép, thấp hơn so với mức trần.
Còn theo nhận định của một số chuyên gia tài chính- ngân hàng, chính sách tỷ giá ngoại tệ của Việt Nam chịu tác động mạnh của yếu tố tâm lý do diễn biến quốc tế, đặc biệt đây đang là thời điểm cuối năm Âm lịch, nhu cầu sử dụng ngoại tệ tăng cao cho các hoạt động mua sắm, gửi tiền… Tuy nhiên, động thái của NHNN khi lấy tỷ giá trung tâm có lên, có xuống tham chiếu theo 3 yếu tố: diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng ngoại tệ và các cân đối kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường trở nên ổn định và cân bằng hơn.
Vì thế, NHNN khẳng định, việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống “đô la hóa”, nâng cao vị thế của VND, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cách thức này cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính.