Năm 2018, cả nước bắt giữ, xử lý 202.980 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Đó là thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của BCĐ 389 diễn ra chiều nay (21/1/2019). Theo đó, đã thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng, khởi tố 1.979 vụ, 2.339 đối tượng...
Theo Ban chỉ đạo 389, năm 2018, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục có những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến biên giới, địa bàn, cùng nhiều loại hàng hóa.
Số liệu sơ bộ của Ban chỉ đạo 389 cho biết, năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng, khởi tố 1.979 vụ (tăng 21% so với cùng kỳ 2017), 2.339 đối tượng (tăng 10% so với cùng kỳ 2017). Trong đó, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 6.934 vụ việc; thu nộp NSNN đạt 200 tỷ 988 triệu đồng; khởi tố hình sự 1.000 vụ, 1.295 đối tượng.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 3.056 vụ việc vi phạm; thu nộp NSNN 46 tỷ 844 triệu đồng; khởi tố 856 vụ, 1004 đối tượng. Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 267 vụ vi phạm, tổng số tiền xử thu nộp ngân sách 122 tỷ 657 triệu đồng; khởi tố 61 vụ. Lực lượng Hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.238 vụ việc vi phạm; thu nộp NSNN 2.807 tỷ 284 triệu đồng; khởi tố hình sự 62 vụ.
Lực lượng Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 87.248 doanh nghiệp; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 16.438 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 80.949 vụ việc vi phạm; thu nộp NSNN đạt 490 tỷ 269 triệu đồng. Các cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 288 vụ việc vi phạm; thu nộp NSNN 17 tỷ 462 triệu đồng.
Trong thị trường nội địa tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với nhiều mặt hàng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Hoạt động buôn bán hàng hóa hàng giả, hàng kém chất lượng qua mạng Internet chưa được kiểm soát hiệu quả gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện gia dụng, bách hóa tiêu dùng, gia cầm, phụ tùng máy móc, phế liệu, dược liệu, thuốc lá, đường, rượu... Các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp, sơ hở trong công tác quản lý của các lực lượng chức năng để hoạt động trên tuyến biên giới đường bộ, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới thuộc là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang...
Điển hình vụ lực lượng Bộ đội biên phòng Cao Bằng bắt giữ 2,5 tấn pháo; vụ Hải quan An Giang bắt giữ 103 tấn hàng phế liệu giấy; vụ Cục C03 bắt giữ tại Lạng Sơn và An Giang, mỗi vụ gần 100 tấn hàng lậu.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, địa bàn trọng điểm là các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hàng hóa vi phạm thường là hàng gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, đồ điện tử, rượu ngoại, xì gà...
Đáng chú ý ngay sau khi hãng APPLE giới thiệu sản phẩm năm 2018, các đối tượng đã buôn lậu mặt hàng này với số lượng lớn như vụ lực lượng Hải quan phát hiện, thu giữ gần 1.200 điện thoại qua sân bay Nội Bài, hơn 200 điện thoại qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế trọng điểm như khu vực Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Các thủ đoạn tinh vi, chủ yếu lợi dụng bất cập trong chế độ chính sách, các ưu đãi về thuế, tiêu chuẩn hàng hóa và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến ma tuý, động vật hoang dã, máy móc thiết bị, hàng bách hóa.
Bên cạnh các hàng hóa trên, tình hình vi phạm tinh vị hơm khi giấu hàng cầm trong phế liệu nhập khẩu. Điển hình là vụ cơ quan Hải quan bắt giữ 119 kg cocaine cất dấu trong container hàng sắt phế liệu nhập khẩu qua cảng Cái Mép; vụ bắt giữ 8 tấn vẩy tê tê và ngà voi cất dấu trong container phế liệu nhập khẩu qua Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Tại vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam bộ, các đối tượng buôn lậu xăng dầu hoạt động rất mạnh, chúng móc nối với các đối tượng nước ngoài để đưa tầu chở xăng dầu tới các vùng biển giáp gianh để sang mạn, chuyển tải cho các tàu của Việt Nam.
Một số đối tượng còn cải hoán tàu đánh bắt cá xa bờ thành tàu chở dầu, nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ, có vụ thu giữ gần 5 triệu lít dầu DO trị giá trên 57 tỷ đồng.