Năm 2019, sẽ không có sóng tăng
Trước nhiều ý kiến cho rằng thị trường bất động sản năm 2018 và 2019 sẽ đi xuống theo chu kỳ 10 năm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khẳng định thị trường bất động sản vẫn đang cho thấy sự phát triển ổn định.
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, năm 2018, nguồn cung và lượng giao dịch tại các phân khúc trên thị trường BĐS đều có sự tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, đến quý I/2019, thị trường BĐS có chiều hướng chững lại. Tổng nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại Hà Nội giảm 25%, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có hơn 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo ông Hà, sở dĩ nguồn cung BĐS tại hai thị trường này giảm là do một số dự án lớn trên địa bàn hai thành phố đã ra khối lượng hàng lớn tại thời điểm quý IV/2018 trong khi việc phê duyệt các dự án mới bị chậm lại.
Cùng với đó, tín dụng BĐS quý IV/2018 giảm 0,8% so với quý III/2018 cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung BĐS.
Tuy vậy, ông Hà cho rằng thị trường BĐS cả nước vẫn đang cho thấy một số dấu hiệu tích cực, tỷ lệ hấp thụ vẫn cao. Đặc biệt, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng… đều có sự phát triển tốt.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng vừa qua Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 11 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS.
Thủ tướng giao nhiều bộ ngành triển khai sửa một số luật, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở. Những chính sách này sẽ tác động mạnh đến thị trường BĐS.
Ngoài ra, việc hạn chế nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động tới thị trường. Việc các ngân hàng siết cho vay đối với BĐS có thể sẽ có khó khăn đối với doanh nghiệp về nguồn vốn ban đầu, song đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, nguồn đầu tư, xác định lại chiến lược đầu tư. Mặt khác, Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn nguồn tín dụng với BĐS sẽ tránh được tình trạng bong bóng, đầu tư theo trào lưu xảy ra.
Nhưng ông Khởi cho rằng một số chính sách này, nhất là sửa đổi các luật, sẽ chưa tác động ngay từ nay đến cuối năm 2019 mà sẽ phải có độ trễ. Nếu năm 2019, các chính sách này được đưa thông qua, thì các tác động tới thị trường BĐS sẽ đến từ năm 2020.
Thị trường vẫn tăng trưởng tốt
Nhận định về thị trường BĐS 9 tháng còn lại của năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố tích cực giúp cho thị trường tiếp tục phát triển ổn định.
Cụ thể, nhu cầu về các loại BĐS nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn và các khu kinh tế mới.
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam giúp cho thị trường BĐS công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, kèm theo là các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp có cơ hội phát triển.
Tín dụng BĐS được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ làm cho chất lượng của các khoản vay lành mạnh hơn, giảm nợ xấu, đồng thời sẽ kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào BĐS như vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán BĐS.
BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển, đặc biệt ở các thị trường mới.
Xu thế phát triển BĐS quy mô thành phố thu nhỏ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, BĐS thông minh, BĐS xanh sẽ là xu thế phát triển chủ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Giá BĐS có xu hướng tăng nhẹ do thiếu nguồn cung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, thị trường vẫn phụ thuộc vào một số yếu tố như tác động từ bối cảnh quốc tế nên các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư từ các nước khác đến Việt Nam. Kết quả này được thể hiện ngay trong quý I/2019, tổng số tiền đầu tư vào BĐS là hơn 1,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó là các chính sách của Nhà nước. Đến cuối năm 2019, dự kiến có 4 đạo luật sửa đổi và được thông qua gồm: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, một số quy định trong Luật Xây dựng, Luật Nhà ở theo hướng tăng cường hình thức đầu tư ưu đãi đối với nhà ở xã hội.
Ngoài ra, sẽ sửa một số chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đó là Nghị định 15 về hợp tác công - tư, sẽ dừng nhiều dự án BĐS có liên quan tới BT, thay vào đó là hình thức đấu giá. "Đây là chính sách sẽ tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới", ông Khởi cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi nhận định, năm 2019, thị trường sẽ không xảy ra bong bóng mà phát triển theo xu hướng bền vững. Đặc biệt, sau khi Nhà nước rà soát lại cơ chế pháp lý, nguồn cung trên thị trường sẽ bảo đảm hơn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.