Năm 2022, Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 chung cư nguy hiểm cấp D

Theo Lan Anh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Theo UBND TP. Hà Nội, trong quý I/2022, Thành phố sẽ hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D với 6 chung cư để phục vụ tiến độ đề án cải tạo, xây dựng lại.

Trong quý I/2022, Thành phố sẽ hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D để phục vụ tiến độ đề án cải tạo, xây dựng lại. (Ảnh: Vietnam+)
Trong quý I/2022, Thành phố sẽ hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D để phục vụ tiến độ đề án cải tạo, xây dựng lại. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Kế hoạch 335/KH-UBND về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, Thành phố sẽ triển khai cải tạo xây dựng lại 4 khu chung cư và 2 nhà chung cư đơn lẻ có nhà nguy hiểm cấp D.

Với 4 khu chung cư tại quận Ba Đình, Thành phố giao UBND quận Ba Đình hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Ba Đình rà soát kết quả kiểm định đối với các nhà chung cư đã có và kiểm định đối với các nhà chung cư còn lại, dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.

Bên cạnh đó, UBND quận Ba Đình chủ trì khảo sát, xác định số liệu hiện trạng nhà chung cư cũ, các công trình khác thuộc phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, làm cơ sở để các nhà đầu tư lập đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời; Dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Đồng thời, chủ trì nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình) các khu chung cư. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt, dự kiến hoàn thành quý IV/2022.

Chủ trì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án; tổ chức hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời.

Sau khi UBND Thành phố chấp thuận nguyên tắc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời, UBND quận Ba Đình phê duyệt phương án, dự kiến hoàn thành quý I/2023.

UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận doanh nghiệp được lựa chọn làm chủ đầu tư theo quy định; báo cáo UBND Thành phố phê duyệt trong quý I/2023.

Chủ đầu tư dự án phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức thực hiện lập, phê duyệt dự án; giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2023.

Riêng 2 nhà chung cư đơn lẻ thì trong đợt này sẽ thực hiện với nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) và nhà 148 - 150 Sơn Tây (quận Ba Đình). 

Với nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), UBND Thành phố giao UBND quận Đống Đa hoàn thành di dời các hộ dân trong quý I/2022; Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa, các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND Thành phố để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao quản lý, sắp xếp lại cơ sở nhà đất theo quy định, dự kiến hoàn thành quý I/2022. Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ dự kiến hoàn thành quý II/2023. 

Với nhà 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình), UBND Thành phố giao UBND quận Ba Đình hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát lựa chọn chủ đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời và tình hình triển khai thực hiện của chủ đầu tư; yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục dự án theo quy định để khởi công; báo cáo UBND Thành phố trong quý I/2022.

Chủ đầu tư dự án phối hợp cùng các sở, ngành lập, phê duyệt dự án; giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục liên quan đất đai, xây dựng; dự kiến hoàn thành trong quý II/2022. Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ dự kiến hoàn thành quý III/2022.

Tương tự các chung cư trên, UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu rà soát một số dự án đang triển khai trên địa bàn gồm Nhà 26 Liễu Giai (Ba Đình); Nhà 3A Quang Trung (Hoàn Kiếm); Dự án cải tạo khu chung cư cũ L1, L2 (Khu Nam Thành Công, Đống Đa); Dự án phá dỡ nhà nguy hiểm và xây dựng mới tại 225 Thuỵ Khuê (Tây Hồ); Khu tập thể viện tư liệu phim Việt Nam - The Boulevard số 22 Liễu Giai (Ba Đình); Nhà A&B Nghĩa Đô (Cầu Giấy); Dự án xây dựng cải tạo, xây dựng lại khu tập thể dịch vụ vận tải Đường sắt số 1 Định Công (Hoàng Mai); Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) và dự án Nhà chung cư 23 Hàng Bài (Hoàn Kiếm).

Các địa phương, đơn vị liên quan cần rà soát toàn diện các công tác liên quan và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án.

Riêng Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Thành phố giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai dự án để đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc, kế hoạch tiếp tục triển khai dự án, báo cáo UBND Thành phố trong quý 1/2022.

Theo UBND TP. Hà Nội, dự kiến nguồn vốn huy động từ 3 nguồn, gồm vốn xã hội hóa (với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư); nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai...

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư; và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994.