Năm 2023 xuất khẩu tỉnh Bạc Liêu thắng lớn


​Với nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức về thị trường và giá nguyên vật liệu biến động thất thường, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD và tăng 17,21% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo nên những tiền đề cho xuất khẩu các năm tiếp sau đạt hiệu quả cao hơn.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Nhà máy thủy sản Việt - Úc. Ảnh: K.T
Chế biến tôm xuất khẩu tại Nhà máy thủy sản Việt - Úc. Ảnh: K.T

Nỗ lực vượt khó

Có thể nói, tình hình xuất khẩu hàng hóa năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực và thế mạnh của con tôm xuất khẩu tiếp tục được phát huy. Trong năm 2023, Nhà máy chế biến thủy sản Việt - Úc đã hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành chế biến. Ước đến cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản thực hiện hơn 95.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 14,97% so với cùng kỳ (trong đó, tôm đông 91.854 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,12% so với cùng kỳ).

Xuất khẩu thủy sản tuy có tăng trưởng, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng tình hình suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn khiến cho nhiều đơn hàng bị cắt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, DN phải cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ… làm giảm lợi nhuận và rủi ro cao.

Song, với nỗ lực vượt khó và chủ động ứng phó với thị trường, nhiều DN chế biến xuất khẩu của tỉnh đã năng động vượt qua bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học, nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính - đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Đồng thời, các DN chế biến thủy sản, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất lạc hậu sang công nghệ tiên tiến. Tổ chức liên kết với các DN giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn.

Đồng thời, ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Nâng cao giá trị

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” để thực hiện thành công nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm trong thời gian tới, tỉnh xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính, từ đó khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.

Quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông - thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng, nhất là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh…

Hiện nay, phần lớn các DN chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất tôm đông và chủ yếu là xuất thô, mang lại giá trị không cao. Vì vậy, sang năm 2024, các DN cần quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đa dạng các mặt hàng để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất nguyên liệu thô với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.

Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Trung Đa/Báo Bạc Liêu