Nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho thủy sản


Dự kiến đến tháng 4/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trở lại lần thứ năm và đưa ra quyết định về việc có gỡ hay không đối với cảnh báo “thẻ vàng” cho sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tàu đánh bắt hải sản neo đậu chờ ra khơi tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thạch Thảo
Tàu đánh bắt hải sản neo đậu chờ ra khơi tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thạch Thảo

Việt Nam còn 4 tháng nữa để hành động và đây là cơ hội quan trọng cho những nỗ lực của các ngành chức năng, nhằm mở đường cho thủy hải sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Khuyến nghị của EC

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa chủ trì cuộc họp lần thứ tám của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu tình hình: “Tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã cử đoàn làm việc lần thứ tư với Việt Nam. Tinh thần chung là họ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, chuyển biến tích cực của Việt Nam so với trước đây. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản cần làm thì chúng ta chưa làm được, hoặc làm chưa có kết quả. Báo cáo của EC có 9 điểm khuyến nghị chúng ta phải làm, toàn việc khó mà chủ yếu là các phần việc thuộc về địa phương”.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lý do EC chưa thể gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là vì “Vấn đề mấu chốt kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương. Đến nay vẫn còn rất hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU. Vẫn chưa kiểm soát được tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử phạt hành vi vi phạm thiết bị giám sát hành trình (VMS), vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài rất yếu kém; chế tài xử lý đối với các DN gian lận chưa nghiêm khắc. Cho nên hiện tại, chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam”.

Một trong những khuyến nghị được xem là quan trọng nhất của EC tại lần làm việc thứ tư với Việt Nam (tháng 10/2023) là “Tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản về đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá, tạo sự chuyển biến trên thực tế, cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá “3 không”. Đặc biệt, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đây là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này của EC để xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong 6 tháng tới”.

Đối với Bến Tre, về xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh đã kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với các chủ tàu có tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Tính từ thời điểm Nghị định số 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 5-7-2019) đến nay, tỉnh có 28 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, bị các lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ và xử lý. Tất cả chủ tàu đều bị xử phạt vi phạm hành chính, tổng cộng 24 quyết định/28 tàu/phạt tiền 20,15 tỷ đồng.

Cơ hội vượt lên

Tại cuộc họp lần thứ tám của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: EC cho biết, đến tháng 4/2024, họ sẽ trở lại lần thứ năm và sẽ quyết định có gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu hay không.

Chúng ta còn 4 tháng nữa để thực hiện quyết liệt. Đây là cơ hội quan trọng cho những nỗ lực của Việt Nam. Chúng ta phải dồn hết sức, hết lực lượng, có cách làm khoa học, hợp lý, mang lại kết quả ghi nhận bằng định lượng, chứ không nói chung chung, thì có khả năng Việt Nam được gỡ “thẻ vàng”.

Có 18 quốc gia nằm trong danh sách cảnh báo của EC, 11 quốc gia đã vượt lên, còn lại 7 quốc gia chưa vượt qua được, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã mất 6 năm thực hiện mà vẫn chưa vượt qua được. Nếu không được EC gỡ “thẻ vàng”, thủy hải sản của Việt Nam vào châu Âu bị kiểm hết tất cả các lô hàng (khi không vướng “thẻ vàng”, chỉ cần kiểm đại diện 1 lô) và chi phí kiểm hết các lô hàng cho 1 container hàng hóa tốn 800 bảng Anh. Tất cả chi phí này hiện nay DN và người nuôi trồng, khai thác đang phải gánh.

Nếu tình hình tệ hơn nữa là “thẻ đỏ”, thì châu Âu sẽ không nhập thủy hải sản của Việt Nam, ngành hàng này của DN và nông dân sẽ điêu đứng. Việc quan trọng thứ 2 là nhiều nước khác cũng đang muốn áp dụng các quy định như EC, viễn cảnh này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận: “Các địa phương cần mạnh dạn và cố gắng thực hiện tốt phần việc của chính địa phương mình, góp chung hành động chống khai thác IUU. Thống nhất đặt mục tiêu, từ đây đến ngày 30/4/2024, chúng ta phải hành động quyết liệt để cải thiện tình hình và có những minh chứng cụ thể với đoàn kiểm tra EC lần thứ năm trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng”. Về lâu dài, chúng ta phải có kế hoạch cho việc nếu gỡ được “thẻ vàng” thì cần phải duy trì ra sao, nếu không gỡ được, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu nữa”.

 

Tỉnh Bến Tre hiện có 2.765 tàu, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm 200 ngàn tấn. Đặc trưng tàu khai thác của tỉnh là lưới kéo, chiếm 63% tàu cá toàn tỉnh (tính riêng trong nhóm tàu xa bờ, nghề lưới kéo chiếm 74%). Vùng hoạt động tập trung chủ yếu ở các vùng biển giáp ranh phía Nam và Tây Nam.

Theo Thạch Thảo/ Báo Đồng Khởi