Năm APEC Việt Nam 2017: Dấu ấn Việt Nam
Từ ngày 6 đến 11/11, tại TP. Ðà Nẵng diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 - sự kiện đối ngoại đa phương đỉnh cao khép lại Năm APEC Việt Nam 2017. Tại đây, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cùng vạch đường hướng thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới cho giai đoạn sau năm 2020, giữa một bối cảnh đầy biến động.
Ủng hộ chủ đề và sáng kiến của Việt Nam
Việt Nam đảm nhận trọng trách nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2017 lần thứ hai vào thời điểm tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều chuyển biến sâu sắc. Ðây là lúc APEC đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, trong khi cùng lúc nổi lên không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Trước thực tế đó, APEC cần hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn, mà trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một thế giới đầy biến động.
Chính vì vậy, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC Việt Nam 2017 được các bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đề ra bốn ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.
Hơn hết, mục tiêu cuối cùng của các chương trình hành động phục vụ chủ đề ấy, không gì khác, là nỗ lực đẩy lùi nghèo đói, thu hẹp tình trạng bất bình đẳng cũng như khoảng cách giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng mỗi lúc một cực đoan, thúc đẩy và kiến tạo những cơ chế kinh tế giàu tính nhân văn, hướng tới một thế giới tương lai tươi sáng, mà trong đó “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng trưởng bao trùm, bởi vậy, cần phải trở thành trọng tâm thảo luận trong cuộc hội nghị cấp cao lần này, như nước chủ nhà Việt Nam từng nhấn mạnh.
Giám đốc Ðiều hành Ban Thư ký APEC quốc tế, Tiến sĩ A.Bô-lác (Allan Bollard) đánh giá: Việt Nam đã rất nỗ lực để hoàn thành trọng trách nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2017. Việt Nam đã dành nhiều thời gian và tâm sức để kết nối thảo luận giữa 21 nền kinh tế thành viên APEC, vốn có sự tăng trưởng không đồng đều và nhu cầu phát triển khác nhau. Theo Tiến sĩ A.Bô-lác, với vai trò nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC, bất chấp sự nổi lên của quan điểm chống toàn cầu hóa khiến năm 2017 trở thành năm sôi động và nhiều phức tạp.
Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) Nga V.Xa-rô-kin đánh giá rất cao công tác chủ nhà của Việt Nam trong Năm APEC 2017, cho rằng mọi hoạt động đến nay đều diễn ra trôi chảy và được tổ chức ở trình độ cao nhất. Trưởng SOM Nga hy vọng Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Ðà Nẵng tới đây cũng sẽ thành công tốt đẹp và thông qua được Tầm nhìn phát triển sau năm 2020 cho Diễn đàn.
Dấu ấn APEC Việt Nam 2017
Ðể làm tròn trọng trách nền kinh tế chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã tích cực vào cuộc trong suốt một năm qua. Ðồng thời, chúng ta cũng đón nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân cả nước. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất đối với Việt Nam. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. Do đó, Năm APEC Việt Nam 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam, và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC tại Ðà Nẵng - một trong những đầu tàu phát triển năng động nhất cả nước. Sự kiện thu hút sự tham dự đông đảo của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, khoảng 10 nghìn đại biểu, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế, cùng khoảng 3.000 phóng viên các cơ quan truyền thông khu vực và quốc tế. Ðây là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng, miền trên cả nước; và là dịp để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mài giũa năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh văn hóa hội nhập của đất nước.
Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng như các nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, việc tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương quan trọng của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII, đó là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương”. Bên cạnh đó, hoàn thành trọng trách nền kinh tế chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017, chúng ta sẽ để lại những dấu ấn sâu đậm đối với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.
Ðó sẽ là cái kết hoàn hảo, cho tất cả những bận rộn và sôi động trong cả một năm.