Nắm bắt cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi kép
Với Việt Nam, chuyển đổi xanh cùng chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh
Theo nghiên cứu từ NielsenIQ mới đây, 16% người tiêu dùng Việt đã coi tương lai bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định tiêu dùng.
Đặc biệt, mối lo ngại về biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đã tăng lên đáng kể, hiện đang nằm trong top 5 mối quan tâm hàng đầu với 14% người tiêu dùng chọn.
Cũng theo nghiên cứu của NielsenIQ, không chỉ tại Việt Nam mà 42% người tiêu dùng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng việc các doanh nghiệp chủ động giảm thiểu tác động môi trường là "rất quan trọng" và 34% đánh giá đây là một yếu tố "quan trọng."
Phát biểu tại hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam cho hay, doanh nghiệp cam kết sản xuất xanh sẽ đáp ứng nhiều hơn yêu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu, giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Hơn nữa, các doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Cũng theo bà Trang, việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và quốc gia mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.
Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials cho biết, Công ty này tạo nên sự khác biệt trên thị trường toàn cầu nhờ chiến lược phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào tái chế, phát triển sản phẩm xanh và hướng đến tăng trưởng xanh.
Cụ thể, Công ty áp dụng mô hình 3Rs “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” vào mọi hoạt động sản xuất và vận hành, không ngừng cải tiến để hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa tài nguyên.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, đi đầu trong chuyển đổi kép “xanh – số” là các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp đã vạch định rõ ràng đường đi và đạt được những kết nó quả nhất định.
Theo ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Roland Berger, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), một bước quan trọng hướng tới thị trường điện cạnh tranh.
Điều này cho phép các nhà sản xuất lựa chọn nhà cung cấp năng lượng xanh và đáp ứng nhu cầu bền vững toàn cầu ngày càng tăng. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI đang đón đầu xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI và tự động hóa để nâng cao hiệu quả.
Các công ty FDI hàng đầu như Samsung là minh chứng cho quá trình chuyển đổi kép này, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi kỹ thuật số. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, định vị quốc gia này là điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới.
Tổng giám đốc Roland Berger cho rằng, chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ giảm thiểu tác động môi trường của quá trình công nghiệp hóa, đảm bảo tính bền vững lâu dài và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu. Đồng thời, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở ra các cơ hội thị trường mới.
Bằng cách tích hợp các ưu tiên kép này, Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ. Cách tiếp cận chiến lược này cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép xanh - kỹ thuật số, ông Trường Bùi đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể. Thứ nhất, khuyến khích đầu tư xanh, thực hiện các chính sách và ưu đãi khuyến khích FDI vào năng lượng tái tạo và công nghệ bền vững.
Thứ hai, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ, bao gồm Internet tốc độ cao, điện toán đám mây và an ninh mạng để hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số.
Thứ ba, hợp lý hóa các khung pháp lý, đơn giản hóa và hài hòa các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ xanh và kỹ thuật số dễ dàng hơn.
Thứ tư, thúc đẩy PPP (quan hệ đối tác công-tư) giữa chính phủ, doanh nghiệp địa phương và các tập đoàn đa quốc gia để thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức.
Thứ năm, tập trung vào phát triển kỹ năng. Đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để xây dựng lực lượng lao động lành nghề có khả năng hỗ trợ cả quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi kỹ thuật số.