Châu Á nỗ lực để đạt được các mục tiêu thanh toán của G20
Mục tiêu cuối cùng là thanh toán xuyên biên giới đạt được “tốc độ của Internet”.
Các ngân hàng châu Á đang chạy đua để đáp ứng các mục tiêu thanh toán xuyên biên giới của G20 về tốc độ, chi phí và tính minh bạch, nhưng cơ sở hạ tầng lạc hậu, phí cao và các quy tắc rời rạc đang cản trở việc thanh toán gần như theo thời gian thực.
Mishal Ruparel - Giám đốc thương mại của Banking Circle, nói với Tờ Tài chính và Ngân hàng châu Á tại Hội nghị Sibos 2024 ở Bắc Kinh: “Ở hầu hết các nước phát triển, các chương trình thanh toán nội địa hiện được thực hiện ngay lập tức.
Ví dụ: ở Vương quốc Anh có FPS (Faster Payments System); ở Úc có NPP (New Payments Platform) và ở Singapore có dịch vụ FAST (Fast And Secure Transfers). Những hệ thống này đã sẵn sàng để sử dụng nhưng ngay khi vượt qua biên giới, nó sẽ không được thiết lập tốt,” ông nói thêm.
Khi thời hạn năm 2027 đến gần, các ngân hàng trên 15 thị trường ở toàn cầu đang phải vật lộn để theo kịp mục tiêu của G20 là 75% các khoản thanh toán xuyên biên giới sẽ được ghi có cho người thụ hưởng trong vòng một giờ, theo Chuỗi báo cáo thế giới năm 2025 của Viện nghiên cứu Capgemini, phát hành vào tháng 9 vừa qua.
Báo cáo cho biết, 67% ngân hàng đang ở tình trạng “chuẩn bị ở mức trung bình” cho kinh doanh và công nghệ, trong khi chỉ 5% đạt được các điểm “kinh doanh và công nghệ cao” để củng cố vị trí dẫn đầu của mình trong việc áp dụng thanh toán tức thì.
Ông Ruparel cho biết, các khoản thanh toán xuyên biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp do liên quan đến nhiều ngân hàng trung gian, dẫn đến sự chậm trễ và phí phát sinh.
Bà Susana Delgado, Ciám đốc điều hành SWIFT cho biết, để đạt được tỷ lệ 80 hệ thống thanh toán tức thời trên toàn cầu có khả năng tương tác xuyên biên giới là một thách thức.
Bà nói: “Cần có tính tương tác mở để mở rộng mô hình này”, và cho biết quá trình tích hợp liền mạch rất phức tạp.
Các thỏa thuận song phương, chẳng hạn như giữa Singapore và Thái Lan hoặc giữa Singapore và Malaysia, đã cho thấy quá trình này phức tạp đến mức nào.
Ông Ruparel cho biết, cơ sở hạ tầng kế thừa phức tạp là một vấn đề lớn. “Để có được mức độ chấp nhận ở mức đó đối với một số tổ chức vận hành lớn hơn có thể luôn mất thời gian.”
Ông nói thêm rằng việc áp dụng rộng rãi các hệ thống mới như các giải pháp công nghệ blockchain và sổ cái kỹ thuật số đòi hỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu phải cùng ngồi lại làm việc với nhau để các giao dịch vượt qua các giới hạn kỹ thuật và đảm bảo tuân thủ các quy tắc.
Bà Delgado cho biết, các yêu cầu tuân thủ đối với các giao dịch quốc tế và trong nước là khác nhau. Bà cũng lưu ý rằng hệ thống thanh toán theo thời gian thực xử lý các giao dịch liên tục và riêng lẻ chứ không phải theo lô.
Bà chỉ ra: “Họ cần phải có sẵn kế hoạch cho 1 bên đối tác không phải ở châu Âu (One-Leg-Out) để có thể nhận ra khoản thanh toán đến từ nước ngoài và do đó cho phép các ngân hàng thụ hưởng thực hiện kiểm tra tuân thủ và phòng, chống rửa tiền”.
Điều này tạo thêm một lớp phức tạp nữa vì các quốc gia có các tiêu chuẩn khác nhau.
Ông Ruparel cho biết, mục tiêu cuối cùng là thanh toán xuyên biên giới đạt được “tốc độ của Internet”. Điều này đòi hỏi phải loại bỏ sự chậm trễ và đảm bảo phí minh bạch, và do vậy yêu cầu cần có sự phối hợp ở cấp độ toàn cầu giữa các ngân hàng, cơ quan quản lý và nhà cung cấp công nghệ.
Bên lề sự kiện Sibos tại Bắc Kinh, ông Francois Verlaine, Giám đốc điều hành tại Standard Chartered cho rằng, công nghệ sổ cái kỹ thuật số và mã token là những giải pháp hứa hẹn sẽ củng cố các khoản thanh toán xuyên biên giới hiệu quả hơn.
Tương lai của thanh toán
Vị Giám đốc điều hành tại Standard Chartered cho biết, công nghệ này có thể loại bỏ nhu cầu đối chiếu giữa các hồ sơ bị phân mảnh, tạo ra luồng thông tin liền mạch, chính xác và hiệu quả giữa các bên.
Khi công nghệ phát triển, các nhà lãnh đạo ngành vẫn lạc quan một cách thận trọng về tương lai của thanh toán, đặc biệt khi Capgemini dự đoán thanh toán tức thời sẽ chiếm 22% giao dịch không dùng tiền mặt vào năm 2028.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu xu hướng này với mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước về giao dịch không dùng tiền mặt, vượt xa tốc độ tăng trưởng ở châu Âu (16%) và Bắc Mỹ (6%).
Viện nghiên cứu này cũng dự báo các giải pháp giữa tài khoản với tài khoản sẽ làm giảm mức tăng trưởng khối lượng giao dịch thẻ tín dụng tới 25%, có khả năng khiến ngành này thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu.
Tài chính mở, một công cụ hỗ trợ thanh toán tức thời quan trọng, đang ở giai đoạn đầu phát triển trên toàn cầu, với các sáng kiến do Úc, Brazil, Ấn Độ và Singapore dẫn đầu.
Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn còn hạn chế do giao diện lập trình ứng dụng không nhất quán và thiếu động lực chia sẻ dữ liệu, Viện nghiên cứu Capgemini cho biết.
Chỉ có 17% ngân hàng đã thí điểm hoặc tung ra các sản phẩm tài chính mở, trong khi 23% đang chờ hướng dẫn pháp lý.
Ông Ruparel hình dung ra viễn cảnh một thế giới, ở đó Web 3.0 và blockchain giúp thực hiện các giao dịch toàn cầu tức thời, liền mạch.
Còn bà Delgado thì lại cho rằng tình hình có thể sẽ vẫn bị phân mảnh trong tương lai gần.
Bà nói: “Tôi mong đợi sự phân mảnh này đồng thời sẽ mang lại điều gì đó rất tích cực, mang tính tùy chọn”. Tuy nhiên, bà nói thêm, người chiến thắng sẽ là người dùng cuối khi các ngân hàng mở cửa cho hệ sinh thái đang phát triển này.