Nắm bắt thời cơ để thành công trong kinh doanh
Doanh nghiệp (DN) hiện nay như võ sĩ trên đấu trường, nếu như còn non về kỹ năng, yếu sức thì sẽ dễ dàng thua. Để kinh doanh thành công, các chuyên gia cho rằng DN phải nắm bắt thời điểm, xu hướng cũng như có sự chọn lựa lĩnh vực phù hợp.
Chia sẻ tại hội thảo “Chữ thời trong kinh doanh” diễn ra ngày 8/9 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre nêu thông tin: Năm 2015, có 445.000 DN hoạt động, đến 2016 là 509.059 DN đang còn hoạt động, 2017 có 561.064 DN đang hoạt động trên tổng số 1,2 triệu DN đã thành lập. Có thể thấy số DN "chết" hơn một nửa. Song con số 561.064 DN còn hoạt động thì đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì có đến 60% hoạt động không đóng thuế tức là hoạt động không thành công.
Nguyên nhân nào mà DN khó khăn vậy? Ông Thành cho rằng đó là DN đang trong một cuộc cạnh tranh không cân sức, giữa người bé tí hon với khổng lồ và vốn, quản trị, nhân lực, công nghệ, thị trường còn hạn chế. “Với tình trạng đó, bây giờ, DN phải tìm thế, giống như võ sĩ trên đấu đài. Nếu như còn non về kỹ năng, yếu sức thì sẽ dễ dàng thua”, ông Thành nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hàng Nhật Quang, Phó Giám đốc Học viện khởi nghiệp Thành Công chỉ ra, trên thực tế, do các DN không xác định được năng lực thực tế của bản thân, vì vậy DN khởi nghiệp thường chạy vào khởi nghiệp ở những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng không hiểu năng lực và cuối cùng là đứng trước rủi ro.
Thêm vào đó, DN không có kế hoạch sử dụng vốn, dẫn đến sử dụng vốn vay ngân hàng quá sức, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, không quan tâm đến dòng tiền mặt. Một sai lầm nữa thường thấy ở các DN Việt hiện nay là khi hoạch định chiến lược không lồng ghép nguồn nhân lực vào chiến lược, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực.
Theo TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, để tránh rủi ro trong kinh doanh thì DN cần phải nắm rõ được bài toán đầu vào, đầu ra, dịch chuyển nguồn lực và công nghệ.
“Việt Nam hiện đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhưng thông thường chúng ta mới chỉ nói về góc nhìn hàng hóa và FDI song tôi cho rằng đây không phải là cốt lõi của hội nhập mà bối cảnh mới là điều cần chú ý”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Phân tích cụ thể, ông Võ Trí Thành cho hay, có 4 lát cắt quan trọng trong chữ thời. Đầu tiên là Đối tác. Giờ chúng ta có thể tìm trên mạng và chuỗi giá trị. Song điều quan trọng là có chơi được với họ không? Trong chuỗi giá trị này, DN phải nhớ một điều là rất dễ bị hất cẳng bởi rất cạnh tranh nếu họ chọn bạn là số đông. Với trường hợp chọn bạn là nhỏ nhưng nằm trong số ít chất lượng thì DN mới bền vững.
Lát cắt thứ 2 liên quan đến đầu ra. Ở đây người tiêu dùng là mục tiêu. Dẫn ví dụ của ngành du lịch, ông Thành chỉ ra, Trung Quốc hiện chiếm 25% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng ngay với khách nội địa của chúng ta thì có tới 70 triệu lượt người đi du lịch. Vậy ở đây đối tượng nào nên được chú ý?
Lát cắt thứ 3 là thời gian. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay thì tốc độ là cần thiết và quan trọng - Và DN cần nắm bắt để hoạch định đúng.
Cuối cùng là công nghệ. Dù rằng đâu đâu cũng nói đổi mới, sáng tạo nhưng thực chất đổi mới sáng tạo là vẫn còn rất ít. Chính vì vậy, người lãnh đạo DN phải nghĩ ra được hướng giải quyết hài hòa bài toán đầu vào, đầu ra, dịch chuyển nguồn lực và công nghệ.
Vietjet Air được cho là một điển hình trong việc nắm bắt được thời để kinh doanh. Nhận thấy ngành du lịch Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8 triệu, tới năm 2016 là 10 triệu và 2017 đạt 13 triệu. Vì thế Vietjet Air đã ra đời và sau 3 năm trở thành tỷ phú...!
Từ minh chứng này, các chuyên gia cho rằng, trong kinh doanh các DN phải nắm bắt thời điểm, xu hướng cũng như có sự chọn lựa lĩnh vực. Chẳng hạn đối với DN sản xuất thực phẩm phải nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng hiện là là cần sản phẩm an toàn và nên chú trọng vào sản xuất thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.