USD “chìm” trong vùng đáy 3 năm do lo ngại Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Đồng USD quay đầu giảm trở lại, rơi sát đáy 3 năm so với giỏ các đồng tiền chủ chốt trong phiên giao dịch châu Á sáng thứ Sáu (19/1) do lo ngại chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa ngừng hoạt động một phần nếu Quốc hội nước này không thông qua đúng hạn dự luật ngân sách.

Nỗi lo Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã đẩy đồng USD quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch châu Á sáng 19/1. Nguồn: Internet
Nỗi lo Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã đẩy đồng USD quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch châu Á sáng 19/1. Nguồn: Internet

Hạ viện Mỹ hôm 18/1, đã thông qua một dự luật để tài trợ cho Chính phủ Mỹ tới ngày 16/2 để tránh việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa ngừng hoạt động một phần vào cuối tuần này vì hết tiền. Tuy nhiên Dự luật cần phải được Thượng viện thông qua, nơi mà nó phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

“Vào tháng 12, các nhà lập pháp đã thông qua dự luật cắt giảm thuế để quá trình này diễn ra suôn sẻ. Nhưng lần này nguy cơ bị đóng cửa của chính phủ có vẻ cao hơn, mặc dù đó không phải là kịch bản chính của chúng tôi”, Shinichiro Kadota - chiến lược gia cao cấp về ngoại hối tại Barclays nói.

Triển vọng được Thượng viện thông qua càng trở nên phức tạp khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng dự luật không nên bao gồm việc mở rộng kinh phí cho Chương trình Bảo hiểm Y tế trẻ em (CHIP), trong khi đó là một ưu tiên của đảng Dân chủ.

Nỗi lo Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã đẩy đồng USD quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch châu Á sáng 19/1.

Theo đó, hiện chỉ số USD đứng ở mức 90,518 điểm. Trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, chỉ số này có thời điểm đã giảm xuống còn 90,104 điểm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Tính chung từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã giảm 1,8% sau khi đã giảm gần 10% trong năm ngoái.

Đồng bạc xanh suy yếu đã tạo điều kiện cho đồng tiền chung phục hồi trở lại. Hiện đồng euro đang được giao dịch ở mức 1,2245 USD, gần sát mức đỉnh 3 năm là 1,2323 USD thiết lập vào thứ Tư. Tính chung đồng euro đã tăng 0,28% so với đồng USD trong tuần này và đang hướng tới tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.

So với yên Nhật, đồng USD cũng giảm gần 0,1% xuống còn 111,02 JPY/USD mặc dù lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Tuy nhiên mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy 4 tháng thiết lập trong phiên ngày thứ Tư là 110,19 JPY/USD.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 2,627%, gần sát mức đỉnh thiết lập hồi tháng 12/2016 là 2,641% đạt được sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của Chính quyền Trump được ban hành thành luật.

Đồng USD đã sụt giảm khá mạnh kể từ năm 2017 chủ yếu do kỳ vọng các NHTW ngoài Fed có thể sẽ chấm dứt chính sách lãi suất cực thấp, thậm chí là lãi suất âm mà họ áp dụng để chống lại khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.

“Mỹ không còn là quốc gia duy nhất tăng lãi suất. Trọng tâm của thị trường là làm thế nào để các nước khác bắt kịp (Fed) trong việc bình thường hóa trong chính sách tiền tệ”, Kadota của Barclays nói.

Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng NHTW châu Âu sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay. Trong khi việc NHTW Nhật giảm mua vào trái phiếu Chính phủ dài hạn trong một hoạt động thị trường bình thường cũng đã đủ khiến giới đầu cơ suy đoán về khả năng sửa đổi chính sách.

Một yếu tố cơ bản khác đằng sau sự suy yếu của đồng USD là các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả các quỹ đầu tư quốc gia và các NHTW, đang đa dạng hóa nguồn dữ trự của mình bằng cách chuyển từ nắm giữ USD sang các loại tiền tệ khác.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ đã cắt giảm lượng năm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ trong tháng 11.

Trong khi một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành vào tháng 12 cũng cho thấy, các NHTW ngày càng thêm nhiều đồng tiền dựa không phải là USD vào dự trữ ngoại hối trong quý 3/2017.

NHTW Pháp cũng cho biết hôm thứ Hai rằng đã chuyển một số dự trữ sang đồng nhân dân tệ. Chỉ vài giờ trước đó, NHTW Đức cũng cho biết họ đang chuyển một số dự trữ của mình sang đồng tiền Trung Quốc.

“Các NHTW ở châu Âu đang thêm đồng nhân dân tệ vào dự trữ của họ. Và nếu Trung Quốc đang đa dạng hóa, chuyển sang nắm giữ trái phiếu châu Âu thay vì trái phiếu của Mỹ, điều đó có thể gợi ý sự chuyển đổi từ chế độ mà đồng USD chiếm vị thế áp đảo”, Ayako Sera - nhà kinh tế thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank cho biết.